Học sinh bối rối chọn ngành nghề

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.

TS tâm lí học Nguyễn Thị Huyền, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, cứ 7 trẻ trong độ tuổi 10-19 có 1 em mắc vấn đề về rối loạn tâm lí. TS Huyền chỉ ra 4 khó khăn, áp lực học sinh bậc THPT phải đối mặt, gồm áp lực trong học tập, thi cử; khó khăn khi kết nối bạn bè, xã hội; khó khăn về định hướng nghề nghiệp và thích ứng với sự thay đổi trong tâm lí cũng như cơ thể.

Học sinh bối rối chọn ngành nghề ảnh 1

Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lực. Ảnh: PV

Từ thực tế dạy học ở trường, lớp, cô Phạm Thị Thuý Hà, giáo viên Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, học sinh ở độ tuổi nhạy cảm rất dễ mất cân bằng cảm xúc mà nguyên nhân là do áp lực từ học tập, xung đột gia đình, bạn bè, thế giới phẳng…

Về giải pháp hỗ trợ thanh thiếu niên, TS Huyền cho rằng, cha mẹ chính là những người gần gũi nhất nên cần đồng hành, chia sẻ với con cái. Cha mẹ cần hướng dẫn con kỹ năng giải quyết tình huống, hướng đến tính tích cực, chủ động san lấp khoảng cách về tâm lí giữa các thế hệ trong gia đình, không nên áp đặt theo ý kiến của mình.

Ở trường, học sinh cũng cần được thầy cô gợi mở để bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, đồng thời đều đặn duy trì các hoạt động thể chất. Khi cảm thấy stress, cần tìm đến chuyên gia tham vấn tâm lý học đường hoặc bác sĩ tâm lí để được can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

Thạc sĩ John Andre đến từ Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ ra thực trạng, nhiều học sinh THPT như lạc mê cung khi phải lựa chọn nghề nghiệp, trong đó có việc học tiếp ĐH hay gia nhập thị trường lao động.

Ở giai đoạn này, nhiều em cảm thấy choáng ngợp khi đứng trước quá nhiều thông tin về ngành nghề, các ngã rẽ, trong khi bản thân chưa đủ chín chắn, trải nghiệm, chưa hiểu sâu về từng ngành nghề để đưa ra lựa chọn đúng đắn.

Ông Andre chia sẻ kết quả khảo sát một số học sinh. Theo đó, những em này đều khẳng định vai trò tư vấn hướng nghiệp ở trường THPT là rất quan trọng. Khi được hỏi, học sinh nói rằng, công tác này đang được tổ chức chưa hiệu quả, các em gần như không thu được thông tin hữu ích.

Hiện nay, nhiều em ở bậc THPT chỉ tập trung vào học để phục vụ các kỳ thi; hoạt động tư vấn nghề nghiệp thiếu vắng nên không ít em chọn sai ngành nghề.

Hoạt động hướng nghiệp cần tổ chức đa dạng, có chiều sâu như mời chuyên gia các ngành nghề, lĩnh vực hay các anh chị sinh viên khoá trên đến trường nói chuyện, trao đổi thông tin với học sinh một cách thực chất. Tạo cầu nối giữa trường ĐH và doanh nghiệp khi định hướng nghề cho học sinh”, ông Andre nói.

Theo ông Đỗ Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, những năm qua, vấn đề tâm lí, hướng nghiệp của học sinh luôn được ngành đặc biệt quan tâm. Hằng năm, đội ngũ giáo viên được tập huấn, trang bị kỹ năng, nâng cao trình độ để tư vấn, đồng hành, hỗ trợ học sinh khi các em gặp khó khăn, vướng mắc.

Trong khuôn khổ tọa đàm do Viện Tâm lý giáo dục và đào tạo phối hợp Trường THPT Lê Lợi tổ chức mới đây, các chuyên gia đã trao đổi nội dung “Vai trò của tâm lí giáo dục và công tác hướng nghiệp trong thời đại 4.0”.

MỚI - NÓNG