Ngày 11/3, tại Hệ thống trường Ngô Thời Nhiệm (cơ sở Bình Tân, TPHCM), báo Tiền Phong phối hợp các đơn vị đồng hành đã tổ chức chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học” với chủ đề “Overthinking của Gen Z: Làm sao để vượt qua?”.
Chia sẻ tại chương trình, ThS Phan Thị Mai Quyên (giảng viên, chuyên viên tham vấn tâm lý trường Đại học Mở TPHCM) cho biết, một trong các dấu hiệu cho thấy bạn trẻ đang bị overthinking (suy nghĩ quá mức) là các bạn luôn đặt câu hỏi.
ThS Mai Quyên trò chuyện, tư vấn cùng các bạn học sinh trường Ngô Thời Nhiệm. Ảnh: Ngô Tùng |
Nữ chuyên gia đặt vấn đề: Một người lúc nào cũng đặt câu hỏi, liệu có phải là overthinking hay không?
"Khi có dấu hiệu của overthinking, con người luôn suy nghĩ nhưng phải tách bạch. Ai cũng có những vấn đề cần giải quyết, thế nên không phải cứ suy nghĩ nhiều là overthinking”, Ths Mai Quyên phân tích.
Các em học sinh tương tác với phần chia sẻ của chuyên gia. |
Theo Ths Mai Quyên, overthinking là những suy nghĩ, một loạt các câu hỏi thắc mắc về quá khứ, những hoạt động trong hiện tại, lo lắng cho những điều sắp diễn ra… nhưng người đó lại không tìm ra hướng giải quyết phù hợp, dẫn tới việc đưa ra những quyết định không trọn vẹn.
“Suy nghĩ hay lo lắng là cảm xúc rất bình thường của con người nhưng nếu kéo dài và không tìm ra hướng giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập, đời sống và lâu hơn là sức khỏe thể chất, tinh thần”, ThS Mai Quyên khuyến cáo.
Đồng hành cùng báo Tiền Phong thực hiện Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ chương trình Trường học Lành mạnh nhất AIA mà AIA đang thực hiện từ tháng 8/2022.
Chuyên gia này cho rằng, những người gặp phải vấn đề overthinking sẽ xuất hiện rất nhiều dấu hiệu rõ ràng về mặt thực thể. Họ có thể bị những hiệu ứng liên quan đến sức khỏe như chứng rối loạn giấc ngủ kéo dài, được xác định qua sự chập chờn, độ sâu của giấc ngủ và sự thoải mái sau khi thức dậy. Từ đó, trong khoảng thời gian 2 tháng cần phải được xem xét để giải quyết sớm.
“Hiện nay đối với học sinh THPT, việc chọn ngành và trường phải phù hợp với năng lực cá nhân. Tuy nhiên, có một số bạn chọn trường và ngành cao hơn năng lực của mình hiện có nên luôn đặt ra những câu hỏi trách cứ bản thân mình về quá khứ. Quá khứ đã qua và tương lai chưa tới. Việc của mình cần làm chính là giải quyết những vấn đề hiện tại”, Ths Mai Quyên chia sẻ.
Xác định đúng mục tiêu
Trao đổi thêm về vấn đề này, TS Quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang (Founder Tổ chức hướng nghiệp quốc tế Mr. Q, giảng viên thỉnh giảng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nhìn nhận: Suy nghĩ, hành động và góc nhìn của mỗi người hoàn toàn khác nhau, từ việc học tập, làm việc cho đến những sự lựa chọn khác nhau.
TS Nguyễn Vinh Quang chia sẻ cách "gỡ rối" một số vấn đề cảm xúc của các gen Z. |
“Khi gặp những vấn đề khó khăn, trở ngại, chúng ta có nên suy nghĩ quá nhiều việc người khác có đang nghĩ gì về mình không? Không nên. Mình đâu có thể kiểm soát được việc đó. Mình đâu phải là X-men để hiểu được suy nghĩ của người khác”, TS Quang lưu ý và cho rằng khi các bạn trẻ gặp từng vấn đề trong học tập, cuộc sống, trong suy nghĩ, phải tập luyện những thói quen, cách nhận diện vấn đề đã được các chuyên gia gợi ý, tư vấn.
Theo nam giảng viên, việc này không đến trong một ngày, một giờ mà phải thực hiện như tập thể dục mỗi ngày để hình thành thói quen.
TS Quang cũng lưu ý, trên hành trình học tập, mục tiêu của các bạn trẻ đưa ra để không bị trạng thái overthinking cũng rất quan trọng.
Các bạn học sinh tự tin chia sẻ cùng chuyên gia. |
TS Quang dẫn chứng: Một vận động viên khi đạt thành tích cao thì vẫn phải tiếp tục tập luyện để có thể đạt thành tích cao hơn. Các bạn trẻ nếu biết được môn học nào là sở trường thì mình phấn đấu theo đuổi, còn nếu năng lực ở mức vừa phải thì nên đưa ra mục tiêu vừa sức.
“Đó cũng là một trong những bí quyết để các bạn trẻ cân nhắc, lựa chọn ngành nghề phù hợp”, TS Quang gợi ý.
Theo chuyên gia này, khi đứng trước việc lựa chọn ngành nghề, để biết có phù hợp với mình hay không, bạn trẻ cần đặt ra những yếu tố cân nhắc: Trong cuộc sống, những gì mà các bạn thấy thoải mái, đam mê, các bạn có thể dành thời gian cho nó nhiều hơn.
Cũng theo TS Quang, khi đã xác định được ngành nghề, các bạn trẻ nên đi vào nơi cung cấp sản phẩm mà mình sẽ “sử dụng”. Đó là khóa học ở trường đại học.
Bạn trẻ khoe nét vui tươi, năng động tại buổi ngoại khóa đầu tuần. |
Đại diện Ban tổ chức tặng hoa cám ơn các chuyên gia tham dự chương trình. |
Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học” do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TPHCM, Nam Á Bank phối hợp tổ chức.
Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề...