Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, nhiều phụ huynh sinh sống tại TPHCM và nhiều tỉnh thành khác nháo nhào đến các bệnh viện để tìm con sau khi được “thầy giáo” hoặc “cô giáo” thông báo con của họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do tai nạn. Không chỉ dừng lại ở việc báo tin, chúng còn dàn dựng cả một ê kíp đóng vai bác sĩ của bệnh viện đang trực tiếp cấp cứu, điều trị và trao đổi qua điện thoại về tình trạng nguy cấp trẻ phải đối mặt, cần gấp tiền để phẫu thuật.
Bằng thủ đoạn lợi dụng tình yêu thương ruột thịt, các đối tượng lừa đảo đã mang sự sống của con trẻ ra để “đánh úp” phụ huynh, khiến nhiều người “sập bẫy”. Nhiều phụ huynh tại TPHCM, Hà Nội đã mất hàng trăm triệu đồng vì thủ đoạn lừa đảo này vì trót chuyển tiền cho nhóm lừa đảo để nhờ “thầy giáo” đóng tạm ứng viện phí cho con.
Ngoài TPHCM, đến nay vấn nạn lừa đảo đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành như: Long An, Gia Lai, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng… với cùng một thủ đoạn gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo con em của họ bị tai nạn nguy kịch và yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí. Đặc biệt, tại Gia Lai nhóm đối tượng lừa đảo gọi điện đến cô Đ.T.L là giáo viên trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Pleiku để báo tin con của cô đang học tại trường này bị té cầu thang nhập viện cấp cứu. Khi biết bị lộ chúng chửi thề rồi tắt máy.
Nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường, sáng ngày 17/3 tại Trường THPT Nguyễn Du - XX1 Đồng Nai, Phường 15, Quận 10, TPHCM
Báo Tiền Phong sẽ phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”. Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, luật sư… hàng đầu trong cả nước.