Đừng chạy đua theo ngành hot
Về vấn đề lựa chọn ngành trong mùa tuyển sinh 2024, ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý thí sinh khi chọn ngành, chọn trường, đừng chỉ nghe loáng thoáng rồi “chọn cho có”. Thay vào đó, cần tìm hiểu yêu cầu của ngành học đó như thế nào, năng lực và sở trường của bản thân có phù hợp với ngành đó hay không.
Ông Vinh nhấn mạnh, các em học sinh cần “định vị” được năng lực thực tế học tập của mình, ham muốn cũng như thích làm gì sau này để lựa chọn chứ đừng dựa vào “sở thích” của bố mẹ.
Ông Vinh chỉ ra một thực tế, học sinh chạy đua chọn ngành nghề theo ngành hot thì là xu thế không cản được. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu xem ngành đó có hot thật không. Vì thực tế, nhiều trường đổi tên ngành học để bắt kịp thời cuộc nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ” mà nội dung giảng dạy không thay đổi nhiều.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
“Học sinh cần nghiên cứu kĩ ngành học đó sau khi ra trường mình có thể làm được điều gì công ăn việc làm ở lĩnh vực gì. Ở thời đại này học sinh phải tìm hiểu kĩ chuẩn đầu ra của các trường thay vì không biết gì cả”- ông Vinh chỉ ra
Mặt khác, theo ông Vinh, nhiều học sinh cứ lao đầu đăng ký vào ngành hot, thời thượng như AI, Công nghệ thông tin mà không thực sự biết mình có năng lực để học tập cũng như phù hợp công việc sau này của bản thân không.
“Có thể có những trường các em rất thích nhưng cần nghiên cứu mức học phí, chỗ học liệu có thể đáp ứng. Nhiều em rất thích vào chọn ngành Công nghệ thông tin nhưng đó là ngành rộng sau mông lung không biết ra trường mình làm được gì”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cho rằng, việc đánh giá năng lực, sự đáp ứng của bản thân với yêu cầu ngành nghề theo đuổi là rất quan trọng. Và sự đánh giá này lại cần lựa chọn bám với sở thích của mình.
Ông Vinh cho biết thêm, việc dự báo việc làm ở Việt Nam còn chưa tốt. Sinh viên học xong vài năm sau thị trường lao động lại “chạy”, thay đổi mất rồi. Học sinh cần xác định phải học giỏi thì ngành nào ra trường cũng sẽ có việc.
PGS. TS Trần Thành Nam- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) |
Có nên chọn ngành mới mở?
PGS. TS Trần Thành Nam- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trên thị trường giáo dục đại học hiện nay có rất nhiều chương trình mới được các cơ sở giáo dục mở ra.
Nếu trước đây giáo dục đại học thiên về giáo dục tinh hoa, chỉ 15-20% người trưởng thành đi học đại học thì nay thiên về giáo dục đại trà, 80-90% người trưởng thành đi học đại học.
Vì vậy, theo ông Nam, các cơ sở giáo dục mở rộng nhiều chương trình giáo dục đại học mới để thỏa mãn nhu cầu học đại học của người dân, đồng thời đáp ứng với những xu hướng nghề nghiệp, những thay đổi trong nhu cầu của thị trường lao động dưới ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0 và trí thông minh nhân tạo.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, điều này gây hoang mang cho rất nhiều học sinh vì sẽ có rất nhiều chương trình đào tạo với tên gọi hoàn toàn giống nhau từ rất nhiều cơ sở giáo dục với mức độ uy tín và có truyền thống đào tạo hoàn toàn trái ngược.
Vì vậy, để định hướng nghề nghiệp hiện nay không thể chỉ được xem như một công việc đơn giản, chỉ là chọn một việc để làm và kiếm sống, sẽ thực hiện được ngay với sự hỗ trợ của chuyên gia khi cần mà phải hiểu hướng nghiệp là quá trình ra lựa chọn ra quyết định phức tạp, lựa chọn con đường để phát triển bản thân bền vững và hạnh phúc, đảm bảo cá nhân có thể thích ứng với mọi biến động của thị trường lao động.
Vị phó Hiệu trưởng cho rằng, thí sinh có thể tham khảo những ngành học mới mở vì những ngành này có thể được ban hành cập nhật với xu hướng phát triển nghề nghiệp mà xã hội sẽ có nhiều nhu cầu trong tương lai.
Tuy nhiên, thí sinh phải nghiên cứu rất kỹ càng chương trình đào tạo xem vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp như thế nào, liệu có phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân hay không. Kể cả ngành nghề mới thì thí sinh cũng không nên chọn nghề mà bản thân không đáp ứng về mặt tính cách, sở thích và năng lực.
Ông Nam cho rằng, học sinh cũng không nên chọn nghề khi bạn mới chỉ nhìn thấy mặt màu hồng của công việc mà chưa tìm hiểu về những khó khăn, điều kiện khắc nghiệt khi làm nghề đó. Còn với các chương trình truyền thống như kinh tế và quản lý hay công nghệ thông tin.
“Thí sinh cần ý thức rõ rằng có đến 25% tổng số thí sinh thi đại học hàng năm đăng ký thi vào nhóm ngành kinh tế tài chính sẽ khiến cho nguồn nhân lực ra trường hàng năm rất nhiều và sự cạnh tranh nghề nghiệp rất lớn”- ông Nam chỉ ra.
Ông Nam cho rằng, năm nay, có rất nhiều chương trình mới mở ở các cơ sở giáo dục mà truyền thống đào tạo trước đây không phải là thế mạnh. Ví dụ rất nhiều trường thuộc khối kinh tế, ngoại thương cũng mở ngành đào tạo Công nghệ Thông tin.
Về vấn đề này, ông Nam cho rằng, thí sinh phải nghiên cứu kỹ về Sứ mệnh nhiệm vụ của cơ sở đào tạo xem chương trình đạo tạo mới mở có phù hợp không. Nghiên cứu cụ thể chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (những gì các bạn SV tốt nghiệp chương trình sẽ đạt được về kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất) và vị trí việc làm cụ thể làm cơ sở lựa chọn.
“Thí sinh cũng có thể quan tâm đến uy tín vị thế của các nhà trường (dựa trên thứ hạng các bảng xếp hạng trường Đại học tốt nhất), quan tâm đến chương trình học, tên các môn học cụ thể trong chương trình. Quan tâm đến trình độ của đội ngũ giảng viên và các tiêu chí khác như cơ sở vật chất, số lượng các học bổng và mức học phí để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất chứ không chỉ là ý thích nhất thời của cá nhân”- ông Nam tư vấn.