Học sinh lớp 12 ở TPHCM chuẩn bị vượt “vũ môn”. Ảnh: Ngô Tùng |
Đóng cổng sớm vì sợ… quá tải
Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức kỳ thi ĐGNL chuyên biệt. Kỳ thi này được mở rộng cho đối tường học sinh lớp 12 và lớp 11. Kết quả của kỳ thi này ngoài Trường ĐH Sư phạm TPHCM còn có Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sử dụng để tuyển sinh đại học. Theo kế hoạch, trường ĐH Sư phạm TPHCM mở cổng nhận đăng ký dự thi ĐGNL chuyên biệt đợt 1 từ ngày 19/2 đến hết 15/3. Tuy nhiên, đến ngày 11/3, trường đã thông báo đủ số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, số thí sinh đăng ký dự thi ĐGNL chuyên biệt đợt 1 của trường năm nay nhiều hơn dự kiến. “Đến ngày 10/3, trường đã nhận đủ số lượng thí sinh dự thi đợt 1 cho 6 bài thi của kỳ thi gồm toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh. Thí sinh chưa đăng ký dự thi đợt đầu tiên có thể đăng ký các đợt tiếp theo”, ông Trung nói và cho biết từ ngày 20 đến 25/3, thí sinh đã đăng ký dự thi đợt 1 cần đăng nhập vào tài khoản đăng ký để xem giấy báo dự thi.
Trước đó, thông tin về đợt 1 kỳ thi ĐGNL, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM cho biết, hệ thống ghi nhận đã có 96.070 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 94.315 thí sinh đã hoàn tất thủ tục đóng lệ phí thi. Con số này cao hơn số đăng ký dự thi của năm 2023 khoảng 5-6%, và cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, TPHCM vẫn là nơi đông thí sinh đăng ký nhất, tiếp đến là Đồng Nai, Bình Dương…Những địa phương lần đầu đặt địa điểm tổ chức thi có số lượng thí sinh đăng ký thi tăng mạnh như Bình Phước, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế… Đến thời điểm hiện tại, kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TPHCM có 105 trường ĐH - CĐ đăng ký sử dụng để tuyển sinh.
Ngoài 2 đơn vị trên, mới đây, trường ĐH Ngân hàng TPHCM, trường ĐH Thái Nguyên, trường ĐH Cần Thơ, trường ĐH Sài Gòn, trường ĐH Tài Chính - Marketing và Học viện Ngân hàng đã ký kết hợp tác về tổ chức và sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V- SAT). Các đơn vị này hiện cũng đang mở cổng để thí sinh đăng ký dự thi.
Tổ chức thi tại các tỉnh
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết, trước nhu cầu lớn của học sinh và nhằm tạo thêm cơ hội để học sinh ở các tỉnh, thành miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên có thể thuận lợi hơn trong di chuyển, tham gia kỳ thi ĐGNL chuyên biệt, trường ĐH Sư phạm TPHCM mở thêm hai đợt thi tại Gia Lai và Đà Nẵng vào tháng 5/2024. Như vậy, ngoài ba đợt dự kiến ban đầu tại TPHCM và Long An, kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay có tổng cộng 5 đợt thi tại bốn tỉnh, thành. “Cổng đăng ký các đợt thi tiếp theo sẽ mở trong tháng 4. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý thời gian đăng ký dự thi có thể kết thúc sớm hơn khi hết chỗ”, ông Trung lưu ý.
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, kỳ thi này ngày càng được nhiều trường ĐH - CĐ sử dụng để tuyển sinh nên việc ngày càng nhiều thí sinh đăng ký tham gia không có gì đáng lo ngại bởi phương thức nào tiện lợi, có cơ hội cao thì các em được quyền lựa chọn.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, các kỳ thi riêng, đặc biệt kỳ thi ĐNGL của ĐHQG TPHCM đang ngày càng phổ biến và mở rộng ra nhiều địa phương làm tăng thêm cơ hội, đồng thời giúp thí sinh tiết kiệm được chi phí. Trước dự báo về số lượng đăng ký tăng cao, để tạo điều kiện cho các thí sinh, ĐHQG TPHCM năm nay cũng tăng thêm 3 điểm thi mới tại Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh bên cạnh 21 địa phương như trong năm 2023 (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu).
“Trước đây, thí sinh sẽ phải di chuyển đến các thành phố lớn để thi vào đại học. Mỗi lần đi có khi phải kèm theo người thân, tốn tiền ăn ở, nhiều chi phí phát sinh. Kỳ thi hiện nay được mở rộng, đưa về nhiều địa phương giúp thí sinh bớt tốn kém”, ông Chính nói.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM cho biết, hiện nay, học sinh đã biết đến lợi ích của kỳ thi ĐGNL và các kỳ thi khác để xét tuyển vào ĐH. “Các em hiểu rõ kỳ thi này là ĐGNL không phải thi đại học, dù mục tiêu của bài thi là ĐGNL để xét tuyển vào đại học. ĐGNL là kiểm tra lại năng lực để các em xem mình có năng lực học ĐH hay không”, ông Sơn phân tích.