Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 11/6, thống kê của các địa phương cho thấy, so với cùng kì năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại nước ta đã tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Đến nay đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì SXH.

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây. Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cho biết tuần qua, Khoa cấp cứu của Bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhi đều 12 tuổi bị sốc SXH Dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng.

Các bác sĩ đã chỉ định cho trẻ được điều trị tiếp tục truyền dịch cao phân tử chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, điều chỉnh rối loạn đông máu. Kết quả qua hơn 1 tuần điều trị, đến nay tình trạng các trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, thở khí trời.

Trước nguy cơ bùng phát mạnh của dịch SXH, các chuyên gia cảnh báo, người dân không lơ là phòng dịch. Nhất là đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lí tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Đặc biệt, SXH và COVID-19 rất dễ nhầm lẫn với nhau khi đều có các biểu hiện ban đầu như: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ… nên người dân phải cẩn trọng, không chủ quan.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến lưu ý người dân không được chủ quan, đưa trẻ đến nhập viện muộn, mà phải luôn nghĩ đến trẻ có thể mắc SXH khi sốt chứ không phải chỉ lo trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác.

“Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, ngay cả trong đêm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen; tay chân lạnh; nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.

Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng ảnh 1
Bệnh nhi bị sốc SXH được điều trị

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị lãnh đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Pasteur TPHCM; Pasteur Nha Trang và Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do SXH cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kĩ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống.

Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng SXH và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh thành phố thuộc khu vực phụ trách. Kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh.

Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lí triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 66,5% với cùng kì năm 2021 là 7.039 ca. Trong đó số ca SXH nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kì năm 2021 (28 ca).

HCDC cho biết, hiện nay TPHCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch SXH, do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi… Người dân cần đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Người dân cũng cần sử dụng bình xịt, hương muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

MỚI - NÓNG