Đề xuất ngành Giáo dục được tuyển giáo viên: Sẽ tránh được việc tuyển giáo viên ‘rởm’?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Khi hiệu trưởng tuyển thì trách nhiệm của Hiệu trưởng rất lớn. Vì ông tuyển người rởm dạy không được thì giáo viên khác nhìn vào mất uy tín. Phải có cơ chế để giáo viên tham gia vào giám sát, đánh giá hiệu trưởng kể cả học sinh”- TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nêu quan điểm.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó đề cập đến thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm. Việc tuyển giáo viên phải căn cứ vào đề án vị trí việc làm; chuẩn nhà giáo; chương trình giáo dục, đào tạo; quỹ tiền lương nhằm bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhà giáo giảng dạy, giáo dục.

Theo các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia cho rằng, nếu ngành Giáo dục được giao quyền tuyển dụng giáo viên thay vì phải qua ngành Nội vụ sẽ giúp giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý.

Lãnh đạo các trường đồng tình

Đưa ý kiến vấn đề thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm, bà N.TT, phó hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng, đây là một chủ trương tốt, nên giao quyền tự chủ cho cơ sở vì “khi anh tuyển dụng giáo viên anh phải chịu trách nhiệm với chất lượng của giáo viên”.

Theo vị hiệu phó này, để tránh tiêu cực trong tuyển dụng sẽ không quá khó. Mặt được nhất sẽ tránh được tiêu cực trong tuyển dụng như hiện nay là tuyển được giáo viên có năng lực thực sự.

“Nếu giao quyền cho hiệu trưởng thì mọi cái cần công khai minh bạch. Các tiết dạy thử đều phải có camera giám sát, phải có phiếu khảo sát ý kiến từ học sinh. Cần có một hội đồng chuyên môn đủ năng lực”- bà N.TT chia sẻ.

Bà N.TT thừa nhận có thực tế, bên tuyển dụng là Bộ Nội vụ lại không sử dụng giáo viên còn bên sử dụng là bên giáo dục lại không được quyền tuyển dụng dẫn tới tình trạng tuyển giáo viên chưa đủ năng lực chuyên môn phù hợp.

“Tôi cho rằng, nên giao quyền tự chủ cho các nhà trường, vì nếu để xảy ra tiêu cực họ sẽ là đơn vị phải chịu hậu quả do giáo viên chất lượng kém”- vị hiệu phó này nhấn mạnh.

Đồng tình về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, nếu ngành giáo dục được giao quyền tuyển dụng giáo viên, thì đây là phù hợp với thực tế.

Bà Dung cũng cho rằng, nên để các hiệu trưởng, ban giám hiệu tham gia tuyển giáo viên trực tiếp vì họ là người có chuyên môn bằng việc lấy cả kết quả thực tế giảng dạy sau thời gian công tác ở trường, cũng như kết quả thi. Dựa vào đánh giá được năng lực thực tế giảng dạy, công tác của mỗi giáo viên, chúng tôi sẽ tuyển không nhầm được, tránh có hiện tượng tiêu cực như hiện nay.

Phải đổi mới về cơ chế, đừng để 'bình mới, rượu cũ'

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT từng nhiều lần phát biểu, ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân về chất lượng giáo dục nhưng việc tuyển, sử dụng, điều chuyển giáo viên thuộc về ngành Nội vụ, dẫn đến thừa thiếu cục bộ do ngành Giáo dục có đặc thù phải bố trí không chỉ theo trình độ đào tạo mà phải theo môn, cấp học và định mức giáo viên/lớp.

Trước ý kiến, nếu ngành Giáo dục được giao quyền tuyển dụng giáo viên thay vì phải qua ngành Nội vụ sẽ giúp giảm chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là một ý tưởng rất tốt.

“Tiền và con người phải gắn với nhau. Hiện nay, Bộ GD&ĐT chủ trì về kế hoạch nhưng tiền lại bên Tài chính, người do bên Nội vụ tuyển nên chưa có sự thống nhất. Nên để ngành giáo dục chủ động về nhân sự”- ông Vinh nói.

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, nếu giờ giao cho ngành giáo dục tuyển dụng giáo viên thì cần tính kĩ.

“Khi cho ngành giáo dục được tuyển giáo viên nhưng trong đó dự thảo lại không đề cập đến năng lực tuyển dụng của người trong hội đồng tuyển dụng. Nếu năng lực của người trong hội đồng tuyển dụng này không có thì chuyện tiêu cực trước nay kêu nhiều vẫn sẽ xảy ra”- ông Vinh nhấn mạnh.

Ông Vinh đề xuất, nên để các trường học được tự chủ như doanh nghiệp đi. Doanh nghiệp mà muốn tuyển nhân viên thì họ có nhờ cơ quan quản lý tuyển cho không hay để hiệu trưởng tuyển. Cấp trên trong ngành giáo dục chỉ giám sát như có bộ đề thi chuẩn, giao chỉ tiêu thế nào còn việc phỏng vấn, chuyên môn là việc của các trường.

Bởi theo ông Vinh, khi hiệu trưởng tuyển thì trách nhiệm của Hiệu trưởng rất lớn. Vì ông tuyển người rởm dạy không được thì giáo viên khác nhìn vào mất uy tín. Phải có cơ chế để giáo viên, học sinh tham gia vào giám sát, đánh giá hiệu trưởng.

Và một điều rất quan trọng, theo ông Vinh, khi giao cho ngành giáo dục tuyển dụng giáo viên thì phải tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Các nước đều thế cả.

“Muốn như vậy thì cần đổi mới cơ chế quản lý. Anh nhận về một việc nếu cơ chế vẫn thế thì không khác gì “bình mới rượu cũ” thôi. Và như vậy, vẫn xảy ra việc quan liêu, tham nhũng từ chỗ trước đây sang quan liêu, tham nhũng ở chỗ mới"- ông Vinh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chiêu nhận tiền hối lộ của nhóm cán bộ Cục quản lý thị trường Bình Thuận
Chiêu nhận tiền hối lộ của nhóm cán bộ Cục quản lý thị trường Bình Thuận
TPO - Phát hiện nhiều cơ sở làm gạch ngói ở Bình Thuận không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc đất làm gạch nên các cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận hạ thấp khối lượng nhằm giảm mức tiền phạt và giảm khối lượng đất làm gạch bị tịch thu rồi nhận hối lộ.