Dồn sức cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học sinh lớp 12 cùng lúc dự kỳ thi đánh giá năng lực, luyện IETLS, luyện thi tốt nghiệp THPT nên lắm lúc căng thẳng nhưng những ngày tháng 6 “đỏ lửa” vẫn miệt mài đèn sách chuẩn bị cho “trận chiến lớn” trong đời học trò.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra nhưng thầy cô các trường THPT vẫn miệt mài dạy cho học sinh với mong muốn, em năng lực thấp được tăng thêm ít điểm, em khá giỏi có thể vượt trội đỗ ngôi trường mơ ước.

Đầu giờ sáng một ngày hè rực lửa, dãy lớp 12 của Trường THPT Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vẫn sáng đèn. Lớp với hàng chục học sinh im phăng phắc trong giờ làm đề Toán, chỉ nghe tiếng quạt rì rì, chậm chạp. Ở một lớp học khác, cô trò lại sôi nổi thảo luận trong giờ chữa đề Ngữ văn.

Dồn sức cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 1

Cô Trần Phương Hoa đang kèm cặp từng học sinh Trường THPT Bình Xuyên đến sát ngày thi Ảnh: Quỳnh Anh

Cô Trần Phương Hoa, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Bình Xuyên, khuyên học sinh khi vào phòng thi phải giữ được tinh thần thoải mái, tự tin để đọc đề và làm tốt nhất.

Với Ngữ văn, nên ôn tập kỹ các tác phẩm theo chủ điểm nghị luận văn học, tác phẩm thơ, văn xuôi và hệ thống kiến thức lại theo sơ đồ tư duy. Khi nắm vững kiến thức, dù đề thi có ra theo cách nào cũng chỉ hỏi xoay quanh nội dung, nghệ thuật, cách thức sử dụng từ ngữ trong tác phẩm đó. Về câu hỏi nghị luận xã hội, cô Hoa yêu cầu học sinh nắm kỹ cách làm bài dạng nghị luận lý tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống.

“Học sinh lưu ý, chuẩn bị một kho dẫn chứng tiêu biểu nhất về gương người sống đẹp, sống bản lĩnh và các hiện tượng còn tồn tại trong xã hội để khi vào bài thi chỉ cần sắp xếp ý, hệ thống và dẫn ý sẽ đảm bảo “ăn” điểm”, cô Hoa nói.

Nhiều năm đi chấm thi, cô Hoa thấy rằng, lỗi học sinh gặp nhiều nhất là chưa biết phân chia thời gian để làm bài thi hợp lý. Có những thí sinh sa đà quá nhiều vào các câu đọc hiểu, nghị luận xã hội đến phần nghị luận văn học còn rất ít thời gian nên vội vàng kết bài trong khi chưa có những đánh giá về nội dung, nghệ thuật và chưa dành thời gian tương xứng cho ý phụ. Một lỗi thường gặp nữa là trình bày các ý trong bài không sáng rõ, thậm chí gạch xóa nhiều.

Cô Phạm Ngọc Huệ, giáo viên cốt cán bộ môn Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), lưu ý, những ngày sát kỳ thi, học sinh dành toàn bộ thời gian cho kỹ năng luyện đề. Ngồi vào bàn, bấm đồng hồ thực hiện giải đề theo đúng thời gian bài thi để biết chia thời gian, có chiến thuật làm bài hợp lý.

Khi nhận đề phải đọc một lượt, nếu đề mờ, rách, lỗi phải thông báo ngay với cán bộ coi thi để đổi đề trong thời gian 5 phút đầu giờ. Sau 5 phút, thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.

“Cách thức làm bài đối với môn Toán vẫn là câu dễ làm trước, câu khó làm sau và đương nhiên những câu khó quá, có thể bỏ qua để khi làm xong hết các câu khác mới quay lại. Đối với câu dễ, làm đến đâu phải chắc chắn đúng đến đó. Tránh mất điểm đáng tiếc, thí sinh phải dành 5-7 phút để soát lại 1-2 lần toàn bộ các câu”, cô Huệ nói.

Là giáo viên bộ môn Lịch sử, cô Phạm Thị Nguyện, Trường THPT Nguyễn Bính (Nam Định), chia sẻ, trước kỳ thi, thầy cô giáo đã xây dựng kế hoạch ôn tập bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT, đồng thời dành nhiều thời gian luyện đề để rèn kỹ năng cho học sinh.

Để tự tin vào phòng thi, các em cần xem lại một lượt kiến thức cơ bản đã được học để giải quyết các câu hỏi ở dạng nhận biết và thông hiểu và vận dụng thấp.

MỚI - NÓNG