Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) sư phạm Hà Nội nhiệm kì 2020 – 2025 cho PGS. TS Nguyễn Đức Sơn. Nhân dịp này, Bộ trưởng đã có buổi làm việc với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Với cương vị là tân Hiệu trưởng, PGS Nguyễn Đức Sơn cho biết, lo lắng nhất là vấn đề đội ngũ nhân sự. Trường hiện có trên 1.035 cán bộ với 126 PGS, 10 GS. Đến trước năm 2021, trường có 20 GS, nhưng chỉ vài năm đã giảm một nửa. Trong đó nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn giảm rất mạnh, hiện chỉ còn 2 GS. Đây là thách thức lớn. Trong đăng kí xét công nhận GS, PGS năm 2024, trường chỉ có 1 ứng viên đăng kí xét chức danh GS, 9 ứng viên đăng kí xét chức danh PGS. “Tương lai xa, từ 126 PGS, đội ngũ GS vẫn có cơ hội phát triển số lượng, chất lượng. Vấn đề là chính sách như thế nào để thúc đẩy đội ngũ đó”, ông Nguyễn Đức Sơn nói.
Trường đang có định hướng các chương trình như chất lượng cao. PGS Sơn nhấn mạnh hệ đào tạo này khác hoàn toàn với quy định chương trình chất lượng cao của Bộ GD&ĐT, không phải là chương trình thu học phí cao, mà là chương trình đào tạo thu hút sinh viên giỏi để cấp học bổng.
Trường còn có thêm chương trình đào tạo sư phạm các môn bằng tiếng Anh, với chỉ tiêu mỗi năm 200 sinh viên cho một số môn như Hóa học, Vật lí, Toán. Nhưng đang gặp khó khăn về việc chi trả lương cho giảng viên. Một khó khăn nữa là định hướng phát triển thành trường ĐH đa ngành của Bộ GD&ĐT vì hiện nay sinh viên ngoài sư phạm chỉ chiếm khoảng trên 1/3 tổng chỉ tiêu đào tạo của trường. Ngoài ra, mục tiêu đào tạo chuyên gia xuất sắc gặp nhiều thách thức do nhu cầu đào tạo sau ĐH đang có xu hướng giảm.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng khi đặt trong hệ thống sẽ thấy trường đang có nhiều lợi thế, thuận lợi cho sự phát triển. Do đó, việc đầu tiên cần định vị, vị trí, vai trò của trường trong toàn ngành và nhìn trong xu thế vận động, phát triển. Ngành muốn đổi mới phải đổi mới, phát triển từ lực lượng giáo viên. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có vai trò hàng đầu trong phát triển đội ngũ này.
Nhu cầu học tập ngày càng lớn và đa dạng của người học cũng là cơ hội cho nhà trường. Cùng với đó là sự quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống đào tạo giáo viên. Trong bối cảnh tự chủ, trường sư phạm vẫn được Nhà nước hỗ trợ thông qua người học và cơ chế đấu thầu, đặt hàng (Nghị định 116 về hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm).
Theo xu hướng không quên nhiệm vụ
Bộ trưởng lưu ý giảng viên sư phạm phải là người hiểu sâu sắc nhất Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tập huấn giáo viên và đào tạo sinh viên để họ đảm đương được trọng trách triển khai chương trình với nhiều đổi mới; thể hiện được sự sáng tạo, năng động, chủ động trong sử dụng học liệu, không phụ thuộc vào sách giáo khoa, chủ động trong cấu trúc giờ giảng… Là “máy cái”, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần đổi mới triệt để, từ mô hình, cách thức dạy và học.
"Các thầy cô trong trường đã làm gì khi giáo viên phổ thông gặp khó khăn do đổi mới chương trình giáo dục phổ thông? Ngoài thầy cô tham gia đề án đổi mới của Bộ GD&ĐT, còn lại không quan tâm. Vậy đã hoàn thành vai trò sứ mệnh của mình một cách tự nhiên hay chưa", Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh đến đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, Bộ trưởng cho rằng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần thực sự bao quát toàn bộ hoạt động khoa học giáo dục, lĩnh vực giáo dục. Trong mô hình đó, vẫn ưu tiên các ngành khoa học cơ bản vì là nền tảng đào tạo giáo viên.
Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm một số lĩnh vực đào tạo khác theo hướng đa ngành. Bộ trưởng yêu cầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần rà soát lại chiến lược của nhà trường, kiện toàn đội ngũ; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Bộ, quan tâm hướng nghiên cứu có tính đánh giá thực tiễn, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản…
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường cần tập trung nhiều hơn vào đánh giá đổi mới chương trình giáo dục phổ thông để đưa ra được đề xuất, nhận định và phản biện chính sách.
“Nếu đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, chúng ta sẽ đào tạo được hệ thống rất nhiều ngành nghề, cộng với nghiệp vụ sư phạm. Theo mô hình này, toàn bộ hệ thống của trường sẽ năng động, giàu sức sống, phù hợp với cách tổ chức đào tạo mới, với mô hình các trường đại học trong thời kỳ hiện đại” - Bộ trưởng nói.