Trong khi nhiều ông bố bà mẹ sử dụng đĩa DVD và các phương tiện khác để dạy con biết đọc sớm, một nghiên cứu mới đây của các nhà nghiên cứu về văn hóa, giáo dục và phát triển nhân lực của Trường Steinhardt thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ, khẳng định, những phương pháp này sẽ không giúp gì cho việc phát triển kỹ năng đọc của trẻ.
"Chúng tôi không nói tất cả em nhỏ không thể học đọc, nhưng kết quả nghiên cứu chỉ ra rõ ràng rằng trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ không thể học đọc chữ trên các sản phẩm truyền thông như băng đĩa DVD... được thử nghiệm" - Susan Neuman, giáo sư trong nhóm nghiên cứu trường Steinhardt thuộc Đại học New York cho hay.
Bà Neuman cho biết thêm, những sản phẩm như vậy ít tác động tới trẻ nhưng lại có ảnh hưởng không thể phủ nhận lên chính các bậc cha mẹ. Trả lời phỏng vấn, nhiều ông bố bà mẹ đều tin đứa trẻ họ đã có thể đọc được nội dung trên các chương trình ở DVD và nó còn giúp trẻ phát triển vốn từ vựng.
“Những em bé sẽ chẳng thể hiểu những thứ đang phát trên màn hình kia là giống với một cái gì đó trong đó ở đời thực. Tác động của những chương trình đó là hoàn toàn không có” – Bà khẳng định.
Cùng quan điểm với ý kiến cho rằng trẻ em ở độ tuổi còn quá nhỏ không thể học đọc, Frank Manis, một chuyên gia về tâm lý và giáo dục ở Đại học Nam California, Hoa Kỳ cho rằng:
“Nhìn chung, trẻ ở độ tuổi lọt lòng không thể hiểu những câu chuyện được kể cho tới khi 3, 4 tuổi. Chúng cũng không thể chuyển đổi những chữ viết thành lời nói cho đến khi 4,5 tuổi. Điều này có nghĩa là trẻ em nói chung không thể tự đọc và tìm hiểu nội dung một cuốn sách đơn giản ít nhất là đến khi chúng 5,6 tuổi" – ông Manis nói.
Tuy nhiên, các công ty truyền thông lại tạo ra một loạt các sản phẩm và quảng cáo rầm rộ rằng chúng sẽ giúp trẻ học đọc từ lúc 3 tháng tuổi.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Tâm lý giáo dục - “Journal of Educational Psychology”, nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 61 trong tổng số 117 trẻ sơ sinh để tham gia vào một chương trình có tên Your Baby Can Read, bao gồm các đĩa DVD, thẻ flashcard và sách dạy chữ trong 7 tháng. Những đứa trẻ này đều ở độ tuổi 9 đến 18 tháng và 56 trẻ còn lại không được tiếp cận với bất cứ phương tiện gì đặc biệt.
Các nhà sản xuất chương trình Your Baby Can Read cho rằng trẻ trong độ tuổi lọt lòng có thể tiếp nhận kỹ năng đọc, thông qua "phương pháp tiếp cận đa giác quan và tương tác dễ tiếp thu, biểu cảm, giúp trẻ có thể học ngôn ngữ dễ dàng hơn sau này".
Tuy nhiên, sau quá trình theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt rõ ràng nào giữa hai nhóm trẻ được và không được tiếp xúc với những chương trình phát triển kỹ năng. "Kết quả chỉ ra rằng trẻ sơ sinh không thể học đọc bằng cách sử dụng các chương trình tương tự, mặc dù một số phụ huynh tỏ ra vô cùng tin tưởng vào hiệu quả của chương trình." – Giáo sư Susan Neuman cho biết.
Mặt khác, giáo sự Susan Neuman, trường Steinhardt thuộc Đại học New York cho biết, với một cách nhìn tích cực hơn, các chương trình trên cũng không gây ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào đến sự phát triển của trẻ, trong khi một số nghiên cứu trước đó khẳng định, tiếp xúc với các chương trình phát triển kỹ năng quá sớm như các đĩa DVD và video có thể phần nào khiến vốn từ của trẻ nghèo nàn hơn do trẻ ngồi nhiều trước màn hình thay vì tương tác với mọi người.
Tiến sĩ Manis cho rằng kết quả của nghiên cứu này rất có ý nghĩa. Nó khẳng định điều dường như nhà nghiên cứu về kỹ năng đọc nào cũng biết, rằng nhìn chung trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ không thể học đọc từ các chương trình học bằng video, và việc cố gắng dạy trẻ biết đọc sớm sẽ không mang lại lợi ích về lâu dài.
Vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, điều cha mẹ nên làm để khuyến khích sự tìm tòi, học tập ở trẻ là các bậc cha mẹ nên tích cực trò chuyện, hát và đọc sách, truyện với con.
Ngoài ra, bà Neuman cũng gợi ý cho những bậc phụ huynh các trò chơi hữu ích, như trò chơi đố chữ hay xếp hình, các câu chuyện kể sống động, hấp dẫn làm trẻ hứng thú. Thậm chí, học từ những ứng dụng trên máy tính cũng tốt, nếu thực hiện điều độ, đúng cách và có chừng mực.
Theo Thu Phương