Lo con làm bạn với tivi
Theo khung chương trình năm học, kỳ nghỉ hè của học sinh sẽ bắt đầu từ 1/6 và kéo dài đến trước lễ khai giảng năm học mới. Trong đó, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 phải chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp và học sinh trường ngoài công lập thường đi học sớm khoảng 1 tháng. Như vậy, đa số học sinh sẽ có kỳ nghỉ hè kéo dài khoảng 3 tháng.
Thời điểm này, nhiều gia đình đã có xây dựng kế hoạch cho con tận hưởng kỳ nghỉ hè kéo dài. Một số người cho con về quê với ông bà, người thân, không ít người đã đăng ký các khoá dã ngoại, khoá tu, trải nghiệm, học hè... Và cũng có nhiều gia đình loay hoay, chưa biết phải xoay sở ra sao khi con được nghỉ kéo dài.
Trẻ làm bạn với tivi, điện thoại là nỗi lo của bố mẹ. |
Chị Đặng Thị Ngọc Linh, có 2 con đang học lớp 1 và lớp 5 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, gia đình dự định sẽ tìm lớp cho con lớn đi “Học kỳ quân đội” để được rèn luyện, trải nghiệm các sinh hoạt, kỷ luật trong quân ngũ. Thế nhưng, mỗi khoá cũng chỉ kéo dài từ 7-9 ngày là kết thúc. Gia đình không thể gửi con về quê vì thời tiết quá nắng nóng và ông bà cũng già yếu khó có thể trông nom, lo ăn uống cho cả 2 đứa cháu.
“Nếu ở lại Hà Nội, bố mẹ vẫn đi làm, hai đứa sẽ bị nhốt trong nhà làm bạn với ti vi, điện thoại cũng rất tội. Mình đi làm xa, trưa không về được nên đang không biết phải tính thế nào”, chị Linh nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thuỷ có tới 3 con, trong đó 2 con bậc tiểu học, 1 con năm nay vào lớp 1. Làm nghề tự do, chị Thuỷ có thời gian rảnh rỗi để trông nom, lo ăn uống cho 3 con trong dịp hè.
Tuy nhiên, để con không có thời gian trống, chị Thuỷ cho biết đã xây dựng lịch hè kín mít với các khoá học thêm ngoại ngữ, kỹ năng sống. “Con 6 tuổi năm nay vào lớp 1, mình đã đăng ký khoá tiền tiểu học để học chữ, Toán, Tiếng Anh. Hai con lớp 2 và lớp 5 cho học tiếng Anh, tiếng Trung, học võ, vẽ…đủ cả.
Đăng ký nhiều khoá học cùng lúc chi phí cũng rất lớn nhưng nếu không cho con đi học, ở nhà con sẽ đòi xem tivi cả ngày. Ở chung cư, mình ưu tiên chọn các lớp học theo nhóm trong toà nhà để tiện đưa đón. Ngoài ra, mình cũng mua thẻ bơi theo tháng để tranh thủ thời gian sáng sớm hoặc chiều muộn, cuối tuần đưa con đi bơi”, chị Thuỷ nói.
Nhiều gia đình, bố mẹ phải đi làm cũng không có điều kiện thuê người trông nom, chăm sóc nên rất lo lắng về vấn đề an toàn thương tích cho trẻ khi con ở nhà một mình. Chưa kể, ở thành phố, không gian nhà cửa chật hẹp, thiếu sân chơi những đứa trẻ nhốt mình trong nhà làm bạn với 4 bức tường và thiết bị điện tử.
Để trẻ vui chơi, tận hưởng mùa hè
Các chuyên gia, nhà giáo cho rằng, tuỳ vào điều kiện từng gia đình, nên xây dựng cho trẻ một kế hoạch hè bổ ích để các con được vui chơi, trải nghiệm thay vì các khoá học thêm.
Hằng năm, sau khi kết thúc năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên tại địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động hè tại địa phương đồng thời có lịch mở cửa thư viện cho học sinh tới đọc sách. Nhà trường tuyên truyền các thông tin liên quan tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, xâm hại, bạo lực trẻ em. Cảnh giác với việc con trẻ bị lôi kéo bởi các tệ nạn xã hội…
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An từng chia sẻ, kỳ nghỉ hè sau một năm học kéo dài căng thẳng là dịp để học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi đúng nghĩa. Thay vì cho con đi học Toán, Văn, phụ huynh nên cho con tham gia tập luyện thể thao, đi chơi, tham gia các hoạt động rèn kỹ năng sống để các em vừa được tập luyện, vừa được vui chơi với bạn bè.
Điều quan trọng trong các hoạt động hè là cha mẹ cần chú trọng tính an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho con, nhất là trong những ngày nắng nóng.
Đối với các khoá dã ngoại, trải nghiệm ông Cái Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, đơn vị có chương trình Học kỳ quân đội thu hút hàng vạn thanh thiếu niên tham gia. Đặc trưng của chương trình là diễn ra hoàn toàn trong môi trường quân đội với tính nề nếp cao, “kỷ luật thép”.
Tuy nhiên, qua các năm, ông Bình thấy rằng, khi đăng ký cho con đi trại hè có thể chia ra 3 nhóm phụ huynh gồm: nhóm tìm hiểu rất kỹ thông tin về chương trình, chuẩn bị tâm thế, động viên và đồng hành cùng con; nhóm đăng ký đi cho biết; nhóm giấu kín thông tin đăng ký chương trình trại hè và “ép” con đi.
Nhiều phụ huynh "đẩy" con đi các khoá trải nghiệm nhưng không tìm hiểu kỹ. |
Với nhóm thứ nhất, bố mẹ và con được chuẩn bị tinh thần nên khi tham gia các hoạt động rất hợp tác, có hiệu quả; nhóm thứ 3, có con còn khóc lóc, không sẵn sàng tham gia, thậm chí đòi về giữa chừng.
Một số phụ huynh đăng ký cho con tham gia chương trình nhưng chưa tìm hiểu kỹ về điều kiện, các hoạt động để trao đổi với con. Có người không lường được đi Học kỳ quân đội con sẽ phải ngủ giường tầng, phòng ở tập thể, không có điều hòa…
Nhiều người còn hỏi, tại sao đơn vị tổ chức không đầu tư để có điều kiện tốt hơn. Nói như vậy là họ chưa hiểu về mục tiêu của chương trình đòi hỏi các con phải tham gia các hoạt động rèn luyện, thích ứng các điều kiện khó khăn, tuân thủ các quy định. Thậm chí, 5 giờ các em dậy tập thể dục hay phải lao động các việc đơn giản như: quét sân, rửa chén bát, tăng gia sản xuất, hành quân dã ngoại....
Đặc biệt, khi vào môi trường rèn luyện này, các em sẽ cách biệt thiết bị điện tử, điện thoại… những điều mà ngày thường vốn gắn bó mật thiết khó tách rời.
“Một đứa trẻ 13-15 tuổi ở nhà điều hòa mát rượi, đến bữa mẹ bê mâm cơm lên với nhiều món ngon vẫn ỏng ẹo chê bai khi vào môi trường quân đội sẽ bị “sốc”. Tuy nhiên, khi tổ chức “Đêm Gia đình” đã thức tỉnh tình thương, lòng hiếu thảo của các em, qua đó chạm vào cung bậc cảm xúc của các bạn trẻ. Nhiều em chia sẻ, nhờ những khó khăn, vất vả mới nhận ra giá trị tình yêu thương, sự lo toan thường ngày của cha mẹ để mình có cuộc sống ấm áp, đủ đầy”, ông Bình nói.