Đảng đối lập Myanmar cầm chắc thắng lớn

Những người ủng hộ đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi ăn mừng chiến thắng. Ảnh: BBC
Những người ủng hộ đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi ăn mừng chiến thắng. Ảnh: BBC
TP - Đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi hôm qua thông báo họ chắc chắn chiến thắng áp đảo trong đợt bầu cử lịch sử ở Myanmar. Trong khi đó, Trung Quốc theo dõi sát sao cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành được khoảng 70% số phiếu được kiểm đến giữa ngày 9/11, AP dẫn lời ông Win Htein - phát ngôn viên của đảng này. Kết quả này, nếu được xác nhận chính thức, sẽ không chỉ giúp đảng của bà Suu Kyi chiếm thế thượng phong trong quốc hội mà còn giành được ghế tổng thống.

NLD cử hàng ngàn người đi khắp các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để giám sát khi các điểm bỏ phiếu được đóng lại và công bố số liệu tổng thể. Điều này giúp lãnh đạo NLD có con số ước tính đáng tin cậy trước khi kết quả chính thức được đưa ra. Tỷ lệ chiến thắng hơn 70% sẽ giúp NLD thừa điều kiện để lập ra chính phủ dân chủ đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1960. “Chúng tôi thất bại”, Reuters dẫn lời ông Htay Oo - Chủ tịch tạm quyền Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP).

Chiều qua, Ủy ban Bầu cử của Myanmar thông báo, tính riêng các điểm bầu cử tại thành phố Yangon, NLD giành được 12 ghế trong hạ viện. Thông báo khiến đám đông ủng hộ NLD tập trung bên ngoài trụ sở đảng này vỡ òa trong vui sướng. NLD được nhiều người tin rằng sẽ cán đích với số ghế nhiều nhất trong quốc hội.

Tin vào chiến thắng vang dội, hơn 1.000 người hôm qua tụ tập trước trụ sở NLD ở Yangon, nhiều người mặc áo phông đỏ với dòng chữ sau lưng: “Chúng ta phải chiến thắng”. “Chúng tôi muốn Mẹ Suu chiến thắng cuộc bầu cử này. Bà ấy có kỹ năng lãnh đạo đất nước. Tôi rất kính trọng bà ấy. Bà ấy sẽ thay đổi đất nước theo con đường tốt”, AP dẫn lời người bán hàng rong tên là Ma Khine.

Dù kết quả ra sao thì cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ không mang lại dân chủ hoàn toàn ở Myanmar, giới quan sát nhận định. Năm 2011, Myanmar chấm dứt nửa thế kỷ quân đội nắm quyền, tiếp nối bằng sự ra đời của chính quyền bán quân sự do đảng gồm các cựu lãnh đạo quân đội đứng đầu. Đảng này được cho là sẽ thất bại lớn trong cuộc bầu cử. Nhưng hiến pháp Myanmar vẫn dành 25% ghế trong quốc hội cho quân đội, và hiến pháp đã được viết lại để bà Suu Kyi không thể trở thành tổng thống. 

Hiến pháp sửa đổi cấm những ai có vợ/chồng hoặc con có quốc tịch nước ngoài giữ vị trí tổng thống, phó tổng thống, trong khi hai con trai và người chồng quá cố của bà Suu Kyi đều mang quốc tịch Anh. Bà Suu Kyi nói rằng, bà sẽ làm việc như một lãnh đạo của đất nước nếu NLD giành được vị trí tổng thống, rằng bà sẽ “cao hơn tổng thống”.

 “Vẫn còn hơi sớm để chúc mừng các ứng viên sẽ trở thành người chiến thắng. Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng, ngay cả những ứng viên không chiến thắng cũng phải chấp nhận người chiến thắng, nhưng điều quan trọng là không kích động những ứng viên không chiến thắng để họ cảm thấy tồi tệ”, Reuters dẫn lời nữ chính trị gia 70 tuổi nói trong phát biểu đầu tiên trước đám đông tụ tập trước trụ sở đảng NLD sau cuộc bỏ phiếu hôm 8/11. Kết quả bầu cử chính thức dự kiến được công bố hôm nay (10/11).

Trung Quốc chờ đợi

Đảng đối lập Myanmar cầm chắc thắng lớn ảnh 1

Bà Aung San Suu Kyi.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc, nhà đầu tư số một và là đối tác thương mại gần gũi của Myanmar, đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử. Bắc Kinh đã rót tiền cho nhiều dự án quan trọng chiến lược ở Myanmar, trong đó có các dự án khai thác dầu, xây dựng đường ống dẫn khí, đập, cảng biển… Bắc Kinh cũng coi Myanmar là đối tác quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Nhưng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar đang bị thách thức bởi vai trò của Mỹ và Nhật Bản, trong khi những căng thẳng biên giới gần đây khiến quan hệ Bắc Kinh và Naypyidaw rạn nứt, các nhà phân tích nhận định.

Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích và cố vấn chính phủ Trung Quốc nói rằng, dù kết quả bầu cử ở Myanmar như thế nào thì chính sách của Trung Quốc với nước láng giềng này sẽ không thay đổi. “Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp bà Suu Kyi trong chuyến thăm của bà đến Trung Quốc hồi tháng 6 và dành cho bà sự tiếp đón cấp cao. Khuôn khổ cơ bản cho quan hệ song phương đã được thiết lập thời điểm đó”, South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu Sun Xiaoying ở Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây. “Quan hệ đó dựa trên lợi ích kinh tế chung. Bà Suu Kyi hiểu nước nào quan trọng hơn với Myanmar”, ông Sun nói.

Nhà nghiên cứu Zhao Gancheng ở Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, nói rằng, nếu giành chiến thắng, NLD sẽ đặt lợi ích đất nước lên trên hết. “Một số người có thể cho rằng, bà Suu Kyi thân phương Tây, nhưng bà ấy coi trọng lợi ích quốc gia của Myanmar hơn”, ông Zhao nói. “Myanmar sẽ cởi mở hơn với thế giới bên ngoài và muốn trở thành thành viên tích cực hơn của cộng đồng quốc tế. Nhưng họ cũng coi trọng quan hệ với Trung Quốc”, ông Zhao nhận định.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính năm 1962, sau đó bác bỏ kết quả bầu cử khi đảng của bà Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu năm 1990, Xinhua đưa tin. Một cuộc bỏ phiếu khác được tổ chức năm 2010, nhưng bị phe đối lập tẩy chay vì cho rằng, luật bầu cử không công bằng. USDP mặc định giành chiến thắng và lên nắm quyền năm 2011 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Thein Sein. Ông Thein Sein, một cựu tướng lĩnh quân đội, bắt đầu triển khai các biện pháp cải cách kinh tế và chính trị để chấm dứt tình trạng đất nước bị cô lập và nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.