Mâu thuẫn tôn giáo bao phủ bầu cử Myanmar

Nhà sư Ashin Wirathu. Ảnh: EPA
Nhà sư Ashin Wirathu. Ảnh: EPA
TP - Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Myanmar đang tác động thực sự đến đời sống chính trị nước này. Lần đầu tiên, cộng đồng 1,3 triệu người Rohingya theo Hồi giáo, gồm cả các nhà làm luật hiện nay, ngày 8/11 không được phép đi bỏ phiếu hoặc tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên thực sự có tranh cử trong 25 năm qua, BBC đưa tin.

Nhà sư Ashin Wirathu từng có những bài thuyết giáo đậm thù hận góp phần gây ra đợt bạo lực bắt đầu năm 2012, khiến hàng trăm người thiệt mạng và khoảng 400.000 người phải bỏ nhà ra đi. Nhà sư này đang nhắm vào mục tiêu mới: bà Aung San Suu Kyi. Ông cho rằng, bà Suu Kyi không thể đứng lên chống lại mối đe dọa mà các tín đồ Hồi giáo gây ra cho đất nước và giá trị của đạo Phật.

 “Tôi phát điên vì bà ấy, nhưng giờ đây tôi biết tôi không thể tin bà ấy”, nhà sư Wirathu tuyên bố. Dù đảng đối lập của bà Suu Kyi vẫn được nhiều người ủng hộ, việc hàng chục ngàn người xuống đường tuần hành tại cố đô Yangon cuối tuần qua được các nhà phân tích nhìn nhận là “con bài chủng tộc và tôn giáo” có thể ảnh hưởng xấu tới uy tín của nữ chính trị gia nổi tiếng.

Các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích bà Suu Kyi đã im lặng trước số phận của người Rohingya. Phát biểu trên truyền hình Ấn Độ vào tháng trước, bà Suu Kyi nói rằng, bà muốn hòa giải hai cộng đồng, chứ không muốn gây thêm chia rẽ. 

Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc của các tín đồ Phật giáo, đặc biệt là những phát biểu mang tính hận thù, đang làm suy giảm tiến trình dân chủ ở Myanmar. Myanmar có 50 triệu người, chủ yếu theo đạo Phật.

Từ năm 2011, chính phủ Myanmar nhanh chóng áp dụng các biện pháp cải cách kinh tế và chính trị. Nhưng một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Nhà sư Wirathu cùng nhóm 969 tín đồ Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc đã tận dụng quyền tự do biểu hiện để lan truyền những định kiến về cộng đồng người Hồi giáo Rohingya. 

Khi chính phủ hay xã hội gần như không phản ứng, nhóm 969, hay còn gọi là Ma Ba Tha, dần trở thành một tổ chức chính trị mạnh và đến nay đã thu hút được hàng triệu người ủng hộ, gồm cả những nhà sư ôn hòa và một số thuộc giới tinh hoa.

Nhà sư Wirathu, người từng gọi người Hồi giáo bằng những từ ngữ miệt thị, nay đã hạ giọng và ít xuất hiện công khai hơn. Tuy nhiên, tác động của các Phật tử theo chủ nghĩa dân tộc là không thể phủ nhận. 

Lần đầu tiên, cộng đồng 1,3 triệu người Rohingya, kể cả các nhà làm luật hiện nay, không được phép đi bỏ phiếu hoặc chạy đua vào quốc hội, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển cũng như đảng đối lập chính Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ đã từ chối đưa ra bất kỳ ứng viên người Hồi giáo nào, có thể vì sợ phản ứng tại các điểm bỏ phiếu.

Tổng thống Myanmar U Thein Sein hôm qua khẳng định, tổng tuyển cử ngày 8/11 sẽ phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân; toàn bộ nỗ lực của quốc gia đang được dồn vào để tổ chức bầu cử tự do và công bằng theo cách thức hòa bình, Xinhua đưa tin. Ông Thein Sein cũng kêu gọi các đảng chính trị và cá nhân tôn trọng, chấp nhận kết quả bỏ phiếu.

MỚI - NÓNG