Cuộc chiến gian nan của bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trên nền cơ địa bị ung thư, khi mắc COVID-19 người bệnh có nguy cơ, diễn tiến nặng, tử vong ở mức rất cao. Bác sĩ khuyến cáo, để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ nhiễm COVID-19 dẫn tới tử vong cho bệnh nhân ung thư, vắc- xin là giải pháp tốt nhất, người bệnh cần được chích ngừa càng sớm càng tốt.

Đang trong giai đoạn điều trị ung thư phổi thì nam bệnh nhân M.T.L. (63 tuổi) không may bị mắc COVID-19. Bệnh nhân tràn dịch màng phổi, khối hạch ung thư phát triển lớn chèn ép gây đau đớn dữ dội.

Sau khi chuyển đến khoa Điều trị bệnh nhân Ung bướu Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Thành phố Thủ Đức, các bác sĩ đã theo dõi sát, đánh giá diễn tiến bệnh, hỗ trợ giảm đau, điều trị theo phác đồ.

Người bệnh may mắn đã chích ngừa mũi 1 vắc- xin COVID-19 nên sau khi nhập viện, tình trạng khó thở, suy hô hấp dần cải thiện, bệnh không diễn tiến nặng. Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe dần ổn định, ông L. đủ điều kiện xuất viện.

Một trường hợp khác là bà H.N.S. (65 tuổi, ngụ tại Thành phố Thủ Đức) đang điều trị ung thư cổ tử cung thì bất ngờ bị nhiễm COVID-19 phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch.

“Bệnh nhân đã thở máy gần 2 tuần qua, chúng tôi đang duy trì những giải pháp điều trị tích cực cho bệnh nhân và mong chờ sự may mắn sẽ giúp người bệnh vượt qua được. Tuy nhiên nhóm bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối khi mắc COVID-19 tiên lượng điều trị rất khó khăn. Hiện đã có 25% đến 30% người bệnh tử vong sau khi nhập viện” – BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu, Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức kiêm Trưởng khoa Điều trị bệnh nhân Ung bướu Bệnh viện dã chiến (Số 1) cho biết.

Cuộc chiến gian nan của bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 tại TPHCM ảnh 1
Những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tại Chung cư Bình Minh trên địa bàn TP Thủ Đức- ảnh Vân Sơn

Trước tình hình bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 ngày càng gia tăng, Thành phố Thủ Đức đã chuyển đổi công năng của Chung cư Bình Minh trên địa bàn làm Bệnh viện Dã chiến điều trị cho nhóm bệnh nhân ung thư và thai phụ mắc COVID-19. Sau 3 tuần đi vào hoạt động, tại đây đã tiếp nhận 50 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mắc COVID-19.

Theo phân tích của BS Triệu Vũ, nhóm bệnh nhân ung thư đã được điều trị ổn định khi mắc COVID-19 thì dự hậu khá tốt nhưng với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối việc điều trị rất khó khăn. Trong thời gian mắc COVID-19 bệnh nhân sẽ tạm hoãn các điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường bị di căn gan, não, xương… Khi mắc COVID-19 bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng khiến bệnh nhân suy hô hấp, rơi vào nguy kịch.

Trong quá trình điều trị COVID-19, bên cạnh phác đồ của Bộ Y tế (hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng đông) thì bác sĩ phải sử dụng thuốc giảm đau (morphin) đúng mức cho bệnh nhân. Tuy nhiên, liều lượng giảm đau phải phù hợp nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược khiến bệnh nhân rơi vào suy hô hấp cấp. Mặt khác những bệnh nhân có dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi cần được chú ý để hút dịch giải pháp, tránh suy hô hấp, giảm đau, giảm khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư có những vết lở loét cần được chăm sóc tốt vết thương để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng.

Cuộc chiến gian nan của bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 tại TPHCM ảnh 2

Nỗ lực cứu chữa bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 của đội ngũ y bác sĩ- ảnh Van Sơn

“Y văn Thế giới ghi nhận số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mắc COVID-19 tỷ lệ tử vong rất cao, có nơi chiếm đến 60%. Tại Bệnh viện Dã chiến đang ghi nhận tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 25 đến 30% đây là con số trung bình. Khi người bệnh ung thư giai đoạn cuối, nguyên nhân dẫn tới diễn tiến nặng, tử vong đang ở mức cao là do hai yếu tố bệnh lý phối hợp cùng tấn công cơ thể nên rủi ro xảy ra lớn hơn. Một khi bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 đã rơi vào nguy kịch phải thở máy có thể hồi sức thành công và xuất viện được là việc vô cùng hiếm. Chúng tôi đang nỗ lực để đáp ứng điều trị tốt hơn nhằm cứu chữa được càng nhiều bệnh nhân càng tốt” – BS Triệu Vũ nói.

Thực tế ghi nhận tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, từ tháng 8/2021, bệnh viện đã tổ chức chích ngừa vắc xin cho bệnh nhân ung thư. Với nhóm những người mắc COVID-19 dù mới được chích ngừa 1 mũi nhưng sau khi nhiễm, bệnh không diễn tiến nguy hiểm, nhiều bệnh nhân đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm, sớm xuất viện.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, dự phòng là khâu đặc biệt quan trọng để bảo vệ cộng đồng trước dịch COVID-19. Khi mới triển khai chích ngừa COVID-19, những bệnh nhân ung thư đang điều trị thuộc nhóm bị trì hoãn. Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế đã cho phép chích ngừa trên bệnh nhân ung thư đã mở ra cơ hội giúp người bệnh được bảo vệ tốt hơn trong đại dịch.

“Đa số những trường hợp diễn tiến nặng, tử vong là do chưa được chích ngừa hoặc được mời đi chích ngừa nhưng bệnh nhân lo lắng nên đã từ chối nên mất cơ hội cho chính bản thân. Tất cả bệnh nhân ung thư đã kết thúc liệu trình điều trị hoặc đang điều trị (trừ bệnh nhân ghép tủy) cần được chích vắc xin sớm nhất có thể"- BS Triệu Vũ nói và theo ông với nhóm bệnh nhân đang hóa trị, có thể chích ngừa trước ngày hóa trị khoảng 1 tuần hoặc hóa trị xong khoảng 1 tuần thì nên chích vắc- xin. Các cơ sở y tế không nên trì hoãn việc chích vắc xin cho bệnh nhân ung thư mà cần khéo léo tính toán thời gian để hỗ trợ tốt nhất.

"Chăm sóc bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 đòi hỏi phải theo dõi sát để can thiệp kịp thời. Các bệnh nhân giai đoạn cuối đều vận động kém, thể trạng suy kiệt nên mọi chuyện đều nhờ nhân viên y tế hỗ trợ từ pha sữa, đút ăn, uống, thay drap, thay tã, kể cả những chuyện hậu cần như thay bình oxy, đổ rác… Trong điều kiện khó khăn, nhân sự hỗ trợ thiếu hụt khi bệnh nhân chẳng may qua đời, bác sĩ điều dưỡng phải tự tay thay đồ, chuẩn bị tươm tất cho người quá cố trước chuyển về nhà tang lễ bệnh viện" - Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ.

MỚI - NÓNG