Cởi và buộc

Cởi và buộc
TP - Sau 2 năm 6 tháng chính thức áp dụng với một lần gia hạn về thời gian, quy định về giá trần đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đang bước vào những ngày cuối cùng của việc buộc phải hết hiệu lực. Thông điệp đưa ra từ Bộ Công Thương, sẽ bỏ áp dụng trần giá sữa khiến nhiều doanh nghiệp, dù không công khai thừa nhận nhưng mừng là thấy rõ.

Thực tế cho thấy, trong suốt 2 năm rưỡi áp dụng, dù khá mạnh tay và kiên quyết trong việc duy trì áp giá trần, hiệu quả của biện pháp thuần hành chính do Bộ Tài chính đưa ra không mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng giá. 

Cơ quan quản lý, không chỉ được những điểm bất hợp lý, vẫn buộc phải phê duyệt cho doanh nghiệp tăng giá dù có lúc giá sữa tăng trong bối cảnh giá nguyên liệu thế giới liên tục giảm. 

Những nghi ngại về việc cơ quan quản lý bị doanh nghiệp “qua mặt” bắt đầu xuất hiện. Thậm chí, nhiều chuyên gia, đại diện nhóm ngành hàng còn khẳng định quy định áp trần giá sữa đang đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường và tự do kinh doanh, trái với tinh thần các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.

Với người tiêu dùng, mối lo phấp phỏng, liệu giá sữa có ào ạt tăng lại thường trực bên cạnh những mối lo cơm áo gạo tiền cho nhiều thứ khác trong cuộc sống. Một đất nước với mức thu nhập bình quân đầu người không cao, giá sữa trẻ em tăng để lại hậu quả rất lớn. Với người thu nhập thấp, giá sữa lên cao buộc họ phải chuyển sang mua những loại sữa ít thành phần dinh dưỡng, ít được cải tiến về chất lượng hơn. Trẻ em cũng vì vậy mất cơ hội được dùng sữa chất lượng cao.

Một thông tư mới về quản lý giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đang được Bộ Công Thương xây dựng. Doanh nghiệp được tự xác định mức giá bán lẻ sữa. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp đăng ký và giám sát việc thực hiện giá bán.

Kỳ vọng, sau khi giá sữa sang tay nhà quản lý mới (trước đó Bộ Tài chính đã từ chối quyền được quản giá sữa và đề nghị chuyển sang Bộ Công Thương quản lý) với những biện pháp, cách quản lý mới, thị trường sữa bột cho trẻ em sẽ được cởi trói giúp doanh nghiệp dễ thở hơn. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc “cởi trói” về thủ tục, Bộ Công Thương cũng cần trang bị  biện pháp rắn để “trói” doanh nghiệp khi thị trường có những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. “Chiếc gậy và củ cà rốt” chính sách khi được vận hành nhịp nhàng, hợp lý sẽ khiến doanh nghiệp phải đi đúng hướng, kiếm được lợi nhuận còn người tiêu dùng không vì thế mà bị thiệt thòi trong việc mua được sữa rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt.

Hiệu quả từ biện pháp quản lý mềm bổ sung, như áp thuế tham chiếu đi kèm việc giám sát chặt từ nguồn và trong quá trình lưu thông sản phẩm, sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn những biện pháp cứng nhắc mà không hiệu quả.

Cùng đó, để chống việc các doanh nghiệp chuyển giá lòng vòng, nâng giá nhập khẩu, các cơ quan quản lý phải thường xuyên sát cánh cùng nhau vào cuộc để bóc tách những chi phí bất hợp lý được đẩy vào giá sữa, bên cạnh những chi phí như tiếp thị, quảng cáo. Việc thanh tra nghiêm, thậm chí xử phạt nặng các hành vi thao túng giá, bắt tay, nhìn nhau tăng giá cũng là công cụ hữu hiệu trong việc đảm bảo quản lý giá sữa theo đúng nguyên lý thị trường giúp người dân bớt khổ vì các chiêu trò lách luật, tăng giá của doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG