Nhận xét khi công bố giải thưởng, Thư ký thường trực Viện Khoa học Thụy Điển Sara Danius nói rằng Alexievich dành gần 40 năm tìm hiểu người dân Liên Xô cũ, nhưng tác phẩm của bà không chỉ nói về lịch sử mà là “cái gì đó vĩnh cửu, một cái nhìn thoáng qua của sự vĩnh cửu”.
Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi một nhà văn viết thể loại phi tiểu thuyết giành được giải Nobel, và Alexievich là nhà báo đầu tiên giành được giải thưởng danh giá này. “Tác phẩm của bà ấy nằm trên ranh giới giữa tiểu thuyết và phim tài liệu, một thể loại chưa từng được trao giải”, ông Bjorn Wiman, biên tập viên văn hóa của báo Thụy Điển Dagens Nyheter viết trước khi giải thưởng được công bố.
Sinh năm 1948 tại thị trấn Ivano-Frankivsk của Ukraine, Alexievich có bố là người Belarus và mẹ người Ukraine. Khi cha bà hoàn thành nghĩa vụ quân sự, gia đình bà chuyển sang Belarus, nơi bố mẹ bà làm nghề dạy học. Sau khi học xong phổ thông, Alexievich trở thành giáo viên, sau đó học nghề báo tại ĐH Minsk từ năm 1967-1972.
Sau khi tốt nghiệp, Alexievich làm phóng viên trong nhiều năm trước khi xuất bản cuốn sách đầu tay có tựa đề tiếng Anh là War’s Unwomanly Face (Bộ mặt không nữ tính của chiến tranh) vào năm 1985, sau nhiều năm thu thập tài liệu. Cuốn sách dựa trên phỏng vấn hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến 2 và nằm trong loạt sách nói về cuộc sống ở Liên Xô dưới góc nhìn của cá nhân. Bằng phương pháp khác biệt, được coi như những mảnh cắt dán cẩn thận của tiếng nói con người, Alexievich đã giúp làm sâu sắc hơn hiểu biết của độc giả về cả một thập kỷ.
Alexievich còn viết về hậu quả của thảm họa hạt nhân Chernobyl 1986 trong cuốn sách có tựa đề tiếng Anh là Voices From Chernobyl (Những giọng nói từ Chernobyl, năm 1999); Boys In Zinc (Những cậu bé trong quan tài kẽm) nói về cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan giai đoạn 1979-1989. Cuốn sách mô tả việc mang về những người chết được đưa bằng quan tài kẽm về quê nhà đã gây nhiều tranh cãi khi được xuất bản lần đầu tại Nga.
Alexievich phải sống lưu vong trong 10 năm, bắt đầu từ năm 2000, tại nhiều quốc gia như Ý, Pháp, Đức và Thụy Điển.
Trên trang web cá nhân, Alexievich giải thích lý do bà theo nghề báo: “Tôi chọn một thể loại mà tiếng nói con người được lên tiếng cho chính họ”. Alexievich từng giành giải PEN của Thụy Điển vì có “lòng can đảm và phẩm giá của một nhà văn”.
Trò chuyện qua điện thoại với kênh truyền hình Thụy Điển SVT sau khi được xướng tên chiều qua, Alexievich nói rằng được vinh danh chiến thắng giải Nobel Văn học mang lại cho bà cảm giác “phức tạp”. Được hỏi sẽ làm gì với 8 triệu kronor (khoảng 960.000 USD) tiền thưởng, nhà văn này nói: “Tôi chỉ làm một thứ: Mua tự do cho chính mình. Tôi mất thời gian dài để viết các cuốn sách, từ 5-10 năm. Tôi có hai ý tưởng cho những cuốn sách mới, vì thế tôi rất vui rằng tôi sẽ có thời gian hoàn tất”.
Alexievich đã đánh bại nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và nhà tiểu thuyết Kenya Ngugi Wa Thiong’o để trở thành người phụ nữ thứ 14 giành giải Nobel Văn học từ khi giải thưởng này được trao lần đầu tiên năm 1901. Đến nay, 112 người được trao giải Nobel Văn học. Giải thưởng này bị hoãn nhiều lần trong Thế chiến 1 và 2.