Nobel Vật lý cho 2 nhà khoa học lý giải thứ dị thường

Nhà khoa học Takaaki Kajita (phải) và Arthur McDonald thắng giải Nobel Vật lý 2015. Ảnh: Guardian
Nhà khoa học Takaaki Kajita (phải) và Arthur McDonald thắng giải Nobel Vật lý 2015. Ảnh: Guardian
TP - Nhà khoa học Nhật Bản Takaaki Kajita và đồng nghiệp Canada Arthur McDonald hôm qua được vinh danh là đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý 2015 vì có công chỉ ra các neutrino (hạt hạ nguyên tử) có khối lượng, giúp thay đổi quan điểm của nhân loại về vũ trụ.

Neutrino là hạt hạ nguyên tử phổ biến, gần như không có khối lượng và hiếm khi tương tác với bất kỳ thứ gì, khiến giới khoa học rất khó nghiên cứu. Ủy ban giải Nobel nói rằng, phát hiện của hai nhà khoa học Kajita và McDonald rằng các neutrino dễ thay đổi đặc tính đã “thay đổi hiểu biết của chúng ta về hoạt động bên trong của vật chất và tác động quan trọng đến quan điểm của chúng ta về vũ trụ”.

Công trình của hai nhà nghiên cứu đã giải đáp được quan sát khó hiểu suốt thời gian dài rằng, so với tính toán trên lý thuyết về số lượng hạt neutrino rơi xuống Trái đất, có đến 2/3 số hạt biến mất khỏi các phép đo lường. Hai nhà nghiên cứu Kajita và McDonald phát hiện ra rằng, những hạt hạ nguyên tử biến mất đó đã thay đổi tình trạng. Nghĩa là các neutrino mà các nhà vật lý nghĩ rằng không có khối lượng thực ra vẫn có khối lượng. Trong quá trình phân tích các neutrino từ Mặt trời, nhóm của GS McDonald đã xác minh được những hoạt động trong lõi của loại hạt này. Điều đó có thể mang lại ứng dụng thực tế trong việc phát triển phản ứng tổng hợp hạt nhân.

GS Jon Butterworth, Chủ nhiệm Khoa Vật lý và Thiên văn học tại ĐH London (Anh), nói rằng, khám phá này “giải quyết được vấn đề về các neutrino từ Mặt trời tồn tại suốt thời gian dài. Khi còn là sinh viên, chúng tôi được dạy rằng, đó là một trong những thứ dị thường mà giới khoa học chưa hiểu được. GS Butterworth cho rằng, phát hiện này “mở ra một lĩnh vực vật lý hạt hoàn toàn mới và gây nhiều ngạc nhiên”.

Ông Antonio Ereditato, một chuyên gia về neutrino và là Giám đốc Trung tâm Albert Einstein về Vật lý cơ bản tại ĐH Bern (Thụy Sĩ), cho biết, ý tưởng về neutrino có thể chuyển từ loại này sang loại khác được đưa ra từ cuối những năm 1950, nhưng hiểu biết của giới khoa học về quá trình này vẫn mơ hồ cho đến khi ông Kajita thông báo phát hiện của mình năm 1998. “Đó là cú sốc lớn vì ông ấy chứng minh được theo cách thống kê rất ý nghĩa, mà chúng tôi gọi là bằng chứng, rằng các hạt neutrino dao động”, ông Ereditato nói. “Sau đó Art McDonald khám phá ra một kênh khác sử dụng các neutrino Mặt trời… Cả hai xứng đáng nhận giải thưởng”, ông Ereditato nói.

Nhà nghiên cứu Ereditato cho rằng, việc phát hiện ra sự dao động của neutrino là bằng chứng vật lý đầu tiên vượt ngoài hiểu biết của giới nghiên cứu vào thời điểm đó, vượt khỏi mô hình chuẩn. “Đó thực sự là thứ ngoài kỳ vọng và mở ra con đường vật lý mới”, AP dẫn lời ông Ereditato.

Ông Kajita là thành viên thứ hai trong cùng một nhóm nghiên cứu giành được giải Nobel Vật lý. Trưởng nhóm này là nhà khoa học Masatoshi Koshiba giành giải năm 2002. Trả lời báo giới qua điện thoại sau thông báo của Ủy ban Nobel chiều qua, GS McDonald nói rằng, phát hiện của ông là “khoảnh khắc eureka”.

Giải Nobel Y học được trao cho ba nhà khoa học người Trung Quốc, Nhật Bản và Ireland hôm 5/10. Tên chủ nhân giải Nobel Hóa học sẽ được công bố hôm nay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.