Chuyên gia tư vấn cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Doanh nghiệp điện tử và các ngành cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo trong nước đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn toàn cầu với những dự án đầu tư, mở rộng đầu tư tính bằng hàng chục tỷ USD.

Trao đổi với PV Tiền Phong bên lề sự kiện giới thiệu Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) 2023, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023, về những cơ hội cho doanh nghiệp điện tử Việt Nam, ông Darren Seah – Giám đốc Danh mục phụ trách Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (ITAP) khẳng định, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông ông Darren Seah, thực tế hiện nay, trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử, thay đổi cho các thị trường truyền thống trước đây như Trung Quốc, do đó đây là cơ hội để doanh nghiệp điện tử Việt Nam có thể nắm bắt dòng sản xuất ở các thị trường khác có ý định sản xuất tại Việt Nam.

“Với lĩnh vực điện tử, Việt Nam đã thu hút được những tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đến đầu tư như Samsung, LG, Intel, Canon… điều có chứng tỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của khu vực Đông Nam Á, châu Á”, ông Darren Seah nói.

Chuyên gia tư vấn cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Cùng với các dòng vốn tỷ USD tăng mạnh, doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Châu Linh

Cũng theo ông ông Darren Seah, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang có lợi thế về vị trí địa lý, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền và đặc biệt các chính sách thu hút đầu tư thì rất cởi mở. Với những yếu tố này, cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử là rất lớn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp điện tử Việt Nam tìm kiếm những cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, từ đó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử.

Bên cạnh cơ hội, ông Darren Seah cũng cho rằng, để tận dụng được những cơ hội trên, doanh nghiệp sản xuất điện tử của Việt Nam phải đảm bảo 2 yếu tố rất quan trọng: đảm bảo chất lượng sản phẩm và có sự kết nối với các đối tác nước ngoài để đảm bảo về mặt xuất khẩu sản phẩm. Nếu đáp ứng được hai tiêu chí đó, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển và trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Chia sẻ kinh nghiệm để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, ông Phạm Ngọc Sáng, Tổng trưởng ban Phòng hỗ trợ và phát triển nội địa Công ty ô tô Toyota Việt Nam cho biết, qua khảo sát 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công ty đã chọn được 5 doanh nghiệp tiêu biểu đặc thù.

Theo ông Sáng, khi đánh giá một công ty để tham gia chuỗi sản xuất, Toyota thường đánh giá trên 3 yếu tố chính: Năng lực, mức độ cải tiến và đánh giá doanh nghiệp có biết cải tiến quy trình sản xuất hay không. Thực tế cho thấy, các dòng chảy vận hành của doanh nghiệp không theo mô hình nào. Chuỗi sản xuất lúc theo mô hình kéo, lúc theo mô hình đẩy. Về hoạt động của công nhân, có rất nhiều thao tác khó khăn khiến công nhân phải với, kéo, xoay người rất nhiều. Các thao tác sản xuất chuẩn không có, công nhân phải đi lại rất nhiều. Các doanh nghiệp hiện có đủ mô hình, có LEAN nhưng không nắm rõ cách sản xuất chuẩn dù các vấn đề liên quan đến khó khăn, tồn kho lớn.

Về hỗ trợ tối ưu quy trình sản xuất cho doanh nghiệp, Công ty ô tô Toyota Việt Nam nhiều năm qua đã cùng Bộ Công Thương lựa chọn các doanh nghiệp trong việc ‘chuẩn hoá’ quy trình sản xuất.

Bà Trần Thị Kim Quế, Tổng Giám đốc công ty Phong Nam cho biết, đã hoạt động trong lĩnh vực khuôn mẫu, nhựa được 28 năm, cung cấp cho các khách hàng Nhật và trong nước. Qua chương trình đào tạo trước đây, công ty cũng học qua nhiều chương trình cải tiến nhưng khi học xong, chuyên gia rút đi thì không đọng lại được gì.

“Chương trình của Toyota mang tính dẫn dắt, dụ doanh nghiệp từng bước đi theo quy trình sản xuất chuẩn, luôn đáp ứng các nhu cầu khắt khe của thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu. Đây là dự án thiết thực và hy vọng để lại cho doanh nghiệp rất nhiều ấn tượng với phương thức sản xuất cho Toyota ở Việt Nam cũng như tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp toàn cầu”, bà Quế cho hay.

Cơ quan quản lý sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặt chân sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, trả lời PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bộ sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực và có các buổi làm việc với một số hiệp hội, ngành hàng cùng các địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Các cơ quan của Bộ Công Thương sẽ cùng chung tay tổ chức các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu, đặc biệt thông qua hệ thống các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, đơn hàng mới cũng như các cơ hội tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, trong những tháng đầu năm và cả trong năm 2022, Bộ Công Thương đã có nhiều báo cáo, đề xuất lên Chính phủ các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng thu hẹp ở nhiều ngành nghề, đặc biệt là với dệt may, da giày và hàng điện tử.

Bộ Công Thương cũng đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ và ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn, đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí cũng như lãi suất cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thuộc khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ ở các địa phương, ngành sản xuất.

MỚI - NÓNG