Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội công bố cho thấy, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội tính đến ngày 31/10/2022 ước đạt hơn 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 11,24% so với 31/12/2021. Trong đó, cho vay với lĩnh công nghiệp hỗ trợ còn khá khiêm tối khi chỉ đạt 63.325 tỷ đồng, chiếm 2,38%.
Các số liệu cho thấy, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội tính đến 31/10/2022 ở mức 240.317 tỷ đồng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 507.746 tỷ đồng, chiếm 19,08% trong khi dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 137.560 tỷ đồng, chiếm 5,17%.
Với lĩnh vực cho vay của các doanh nghiệp thuộc mảng công nghiệp hỗ trợ đạt 63.325 tỷ đồng, chiếm 2,38% tổng dư nợ. Đây cũng là con số khá thấp so với mặt bằng chung khi nhiều doanh nghiệp không đạt được các tiêu chí cho vay của ngân hàng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hà Nội cũng cho biết, tổng dư nợ cho vay với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 9.951 tỷ đồng, chiếm 0,37%; cho vay chính sách xã hội đạt 12.851 tỷ đồng, chiếm 0,48%. Tổng mức dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt khá cao với tổng cộng 550.398 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 111/2015/NĐ-CP, ưu đãi về tín dụng là một trong những ưu đãi mà dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Ngoài các ưu đãi tín dụng trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng nếu có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay.
Về cho vay với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thông tin từ Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong vòng 4 năm qua, thành phố đã dành hơn 1.176 tỷ đồng thực hiện kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, UBND TP.HCM đã phê duyệt tổng cộng 15 dự án của 14 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có đăng ký tham gia chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với số hơn 1.176 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ lãi vay tổng cộng 617 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi dự án của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi được duyệt vay vốn ưu đãi được ngân sách hỗ trợ lãi vay khoảng 41,15 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), cho vay vốn với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi các ngân hàng phải hiểu được đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ. Như với TPBank, thời gian qua ngân hàng đã triển khai một loạt các giải pháp tài chính linh hoạt cho các doanh nghiệp này theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ dễ dàng tiếp cận được vốn vay.
Cụ thể, ngân hàng đã thiết kế những gói vay linh động như: hạn mức theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; tài trợ trung dài hạn dựa trên tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay; thiết kế phương án linh hoạt theo từng giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp và theo dòng tiền.
Trước đó, tại Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội năm 2022, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho biết, trong hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị.
Để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Vân kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài. Bởi nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi. Bên cạnh đó, mở ra thêm các hình thức tín chấp bởi trên thực tế nhiều doanh nghiệp "cởi áo vest ra là hết tiền".
"Doanh nghiệp có thể thế chấp bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng, có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Chúng tôi đề xuất Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội xem xét tài trợ cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đặc biệt sau COVID-19 nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất 3 tại chỗ", ông Vân kiến nghị.