Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Bình đã xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo thông qua việc đầu tư cho sản xuất mặt hàng xuất khẩu địa phương, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình, với các sản phẩm chế biến chế tạo, sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp, đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo như linh kiện và thiết bị ngoại vi; điện tử; viễn thông.
Cùng đó, Thái Bình sẽ tập trung phát triển các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao (thiết bị điện tử, cơ khí, máy móc). Định hướng đến năm 2030, sẽ nâng công suất các nhà máy và đổi mới công nghệ, năng lực sản xuất, thiết kế sản phẩm (với lĩnh vực dệt may, da giày).
Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất cuối cùng với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, chuyển dần lên mức cung ứng cao hơn.
“Sẽ ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp FDI có công nghệ hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng ở bậc cuối trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng đó, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh việc chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia khi tham gia các chuỗi cung ứng”, đại diện UBND tỉnh Thái Bình cho hay.
Theo thống kê, Thái Bình hiện có 234 doanh nghiệp dệt may, da giày. Trong đó, có 44 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gồm 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 39 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước.