Chuyên gia Nhật Bản chỉ ra các điểm yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ông Akutsu Michio, Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản, dù đạt được nhiều bước tiến trong thời gian qua, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế do những vấn đề nội tại từ doanh nghiệp cũng như thiếu sự chuẩn bị dài hạn.

Đây là nhận định được ông Akutsu Michio, Chuyên gia Hiệp hội Cố vấn thương mại Nhật Bản đưa ra tại buổi Giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản 2022, do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức ngày 5/7.

Theo ông Akutsu Michio, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang phải đối mặt những vấn đề liên quan đến năng suất lao động, đặc biệt năng suất lao động của lao động địa phương tại Việt Nam còn thấp.

Theo báo cáo mới đây nhất của Jetro về tỷ lệ lao động chất lượng cao tại Việt Nam, tỷ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%. Báo cáo cho thấy, số nhân sự cao cấp đáp ứng được các yêu cầu của các tập đoàn lớn tại Việt Nam rất ít. Bên cạnh đó, tình trạng chảy máu chất xám nhân tài có trình độ kỹ thuật cao từ các doanh nghiệp trong nước sang các doanh nghiệp FDI và ra nước ngoài làm việc đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt trong lĩnh vực đòi hỏi tính chất đặc thù như công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây.

Cùng với đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, việc tiếp cận nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá thành cạnh tranh và thiếu thông tin từ các nhà cung cấp nước ngoài….là những rào cản lớn đối với hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế trong thời gian qua.

MỚI - NÓNG