Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may cao trên thế giới và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vậy, tiềm năng phát triển của ngành dệt may Việt Nam như thế nào? Sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam hiện nay ra sao?

Xung quanh vấn đề này, Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” hôm nay sẽ có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề giúp quý vị và các bạn cùng hiểu rõ.

Xin chào Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy!

PV: Thưa Bà, Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của ngành dệt may, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA?

    Nhìn vào các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia, có thể thấy, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Theo lộ trình phát triển của công nghiệp hóa, khi lương tăng lên, các ngành thâm dụng lao động sẽ dịch chuyển dần sang các nước khác có mức lương thấp hơn để cắt giảm chi phí sản xuất. Nhờ có các FTA mà cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang mở ra trong vài năm tới.

     Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA còn đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Với yêu cầu về quy tắc xuất xứ như vậy sẽ giúp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.

PV: Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp dệt nhuộm, phải không, thưa Bà?

    Các doanh nghiệp dệt may đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, trong đó, các thủ tục hành chính về thuế, hoàn thuế còn phức tạp, mất nhiều thời gian, trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may lại đang thiếu vốn là một trong những khó khăn điển hình.

    Mặt khác, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp ngành dệt may còn khó khăn hơn nhiều so với các nước khác. Ví dụ, ở Singapore, việc tiếp cận vốn chỉ mất 2%, nhưng ở Việt Nam phải 6% -7%.

    Ngoài ra, vấn đề tiếp cận về quỹ đất đang là khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt nhuộm, bởi lẽ các địa phương luôn quan ngại về vấn đề môi trường, xả thải. Không những vậy, việc bỏ ra chi phí để xây dựng nhà máy, xây dựng hệ thống xả thải là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp...vvv

Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may ảnh 1  

PV: Vậy, đâu là giải pháp để giúp các doanh nghiệp ngành dệt may vượt qua khó khăn này, theo Bà?

Thứ nhất, tập trung vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước mà xuyên suốt chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị không chỉ từ kéo sợi, dệt vải mà còn là cả khâu thiết kế thời trang, liên kết thực sự các doanh nghiệp dệt may.

Thứ hai, trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0, ngành dệt may không còn là ngành thâm dụng lao động, sử dụng lao động phổ thông. Chính vì vậy, cách nhìn nhận cần khác đi để có chiến lược nhân sự cho phù hợp, nhất là việc đào tạo nhân sự có chuyên môn cao.

Thứ ba, công nghệ càng phát triển thì việc xả thải ra môi trường càng nhiều. Ngành dệt nhuộm là ngành gây ra nhiều quan ngại về môi trường, chính vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận cần phát triển ngành dệt may như thế nào cho bền vững. 

Thứ tư, đơn giản các thủ tục hành chính, chính sách thuế, hoàn thuế cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp ngành dệt may.

Thứ năm, Nhà nước cần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp ngành dệt may, cần có các khu công nghiệp dệt nhuộm tập trung. Nhà nước đầu tư, có thể theo tỷ lệ 50-50 để các doanh nghiệp ngành dệt may có thể giảm bớt khó khăn về mặt chi phí cũng như địa điểm đầu tư.

Thứ sáu, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp cần xác định rõ thị trường, khách hàng; kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước để tạo thành chuỗi giá trị trong nước.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG