Chạy đua đón đầu dòng vốn FDI, địa phương tung chiêu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua hình thành các cụm ngành cơ khí, chế tạo, chế tạo máy và công nghiệp nặng. Ảnh: Nguyễn Bằng
Quảng Ngãi đặt mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua hình thành các cụm ngành cơ khí, chế tạo, chế tạo máy và công nghiệp nặng. Ảnh: Nguyễn Bằng
TPO - Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, biết lựa địa thế và lượng sức trong cuộc chạy đua thu hút các ‘đại bàng’ đến làm tổ…là mục tiêu được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và nhiều địa phương trên cả nước đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại.

Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, để tận dụng được thời cơ, thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, Quảng Ngãi xác định 2 lộ trình phát triển ngành công nghiệp của địa phương. Cụ thể, đến năm 2025 sẽ ưu tiên đầu tư thực hiện các chính sách khuyến khích nhằm nâng cao năng lực sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguyên, phụ liệu cho sản xuất tại địa phương, cho toàn vùng và cả nước. Sau khi vượt qua giai đoạn đầu, đến 2030 Quảng Ngãi sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ cho cả vùng kinh tế miền Trung. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, lọc hóa dầu, dệt may, da giày là những hướng được xác định ưu tiên để hướng tới xuất khẩu và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của tỉnh.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, với công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo, các sản phẩm cơ khí cơ bản như bu long, đai ốc, vòng bi, bánh răng, khớp nối, linh kiện động cơ và máy động lực các loại, các sản phẩm khuôn dập, khuôn đúc, linh kiện, phụ tùng máy gia công cơ khí, máy động lực… là những mục tiêu cụ thể được tập trung. Với ngành dệt may, da giày, chế tạo sợi dệt kim, sợi pandex, vải kỹ thuật, chỉ may, cúc, khóa kéo, mũi giày, dây giày, chỉ may giày, khoen, móc, các loại thuốc nhuộm, sơn… là những lĩnh vực được tỉnh dồn sức phát triển.

Với việc chọn 6 doanh nghiệp lớn đầu tiên trên địa bàn tỉnh để hình thành bước đầu các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và thực hiện đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ theo mô hình chiến lược hỗn hợp, có sự kết hợp giữa chính sách khuyến khích, nâng đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, ưu đãi đất đai, thuế, đào tạo nhân lực, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, sẽ là chiến lược đúng đắn và khôn ngoan nhất để phát huy thế mạnh cũng như gọi vốn đầu tư từ các ‘đại bàng’ FDI toàn cầu.

Một ‘chiêu’ khác để ‘lót ổ đại bàng’ được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xác định rõ chính là xây dựng khu công nghiệp và cụm công nghiệp chuyên sâu để tạo liên kết ngành thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh sẽ bố trí 2 địa điểm để có thể hình thành khu công nghiệp hỗ trợ, gồm khu công nghiệp VSIP (phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp nhẹ) và khu công nghiệp Đông Dung Quất (phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp nặng). Việc hình thành các cụm liên kết sản xuất vệ tinh để thúc đảy liên kết giữa các nhà cung cấp trong nước và công ty nước ngoài trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày, điện trử cũng được tỉnh tính đến và ưu tiên thực hiện.

“Việc bắt tay với các địa phương khác thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo ra hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác, nhất là với những địa phương có cùng thế mạnh về cơ khí, chế biến, dệt may, da giày”, đại diện tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ với quy mô lớn, từng bước hình thành khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam để các doanh nghiệp trong nước và tập đoàn toàn cầu đến làm ăn.

Để làm được, Quảng Nam có chiến lược kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất, gia công lắp ráp ô tô phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng đó, tỉnh đang xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu Kinh tế mở Chu Lai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 3 năm nay.

Với quan điểm hạ tầng phải hoàn thiện sẵn sang để dọn đường đón ‘đại bàng’, tỉnh Quảng Nam cũng dồn sức tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược kết nối liên vùng, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không và đường biển.

Theo ông Lê Trí Thanh, Quảng Nam xác định việc mở rộng quy mô, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các dòng xe và các sản phẩm cơ khí khác là rất cần thiết. Các tập đoàn lớn với vai trò là trung tâm sản xuất mẹ sẽ là hạt nhân thiết lập sợi dây liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

“Với việc thành lập nên một hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí của Việt Nam, tôi hi vọng được dẫn dắt bởi những con chim đầu đàn, được thực hiện bắt đầu tại tỉnh Quảng Nam. Không chỉ dừng lại ở đây mà tôi tin chắc rằng sẽ lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước”, ông Lê Trí Thanh nói.

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Dương, hiện trên địa bàn có hơn 2.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để tập trung phát triển và hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may như sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt, ngành cơ khí như sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô); ngành điện - điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang)... Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Thành quả cho thấy, có nhiều dự án về công nghiệp hỗ trợ từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại Bình Dương như dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn KOLON hay Công ty CP Tetra Park Bình Dương (Singapore) chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm…

MỚI - NÓNG