Quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang căng thẳng vì nhiều khúc mắc. (Ảnh: AP) |
Lời kêu gọi được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong cuộc điện đàm với cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne ngày 27/4, chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến công du châu Âu.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương: “Tôi hy vọng phía Pháp sẽ thúc đẩy EU tiếp tục theo đuổi chính sách tích cực và thực dụng đối với Trung Quốc”.
Ông Tập dự kiến sẽ thăm Pháp trước tiên trong chuyến công du châu Âu, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Trong khi đó, Hungary xác nhận sẽ đón nhà lãnh đạo Trung Quốc thăm từ ngày 8-10/5, sau chặng dừng chân tại Serbia.
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với EU căng thẳng do mất cân bằng thương mại chưa từng có và sự bất mãn ngày càng tăng trong khối về việc bị hạn chế cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra cáo buộc Trung Quốc ưu đãi các công ty trong nước trong việc mua sắm thiết bị y tế.
EU cũng đang xem xét liệu các nhà sản xuất sản phẩm xanh của Trung Quốc, như tua-bin gió và tấm pin mặt trời, có được nhà nước trợ cấp hay không, nhằm giúp họ có lợi thế khi tiến vào thị trường EU.
Xe điện Trung Quốc cũng bị giám sát chặt chẽ giữa lo ngại sự hỗ trợ mà họ nhận được từ nhà nước đang chuyển thành lợi thế về giá trên thị trường EU.
Bắc Kinh hy vọng những cuộc điều tra này sẽ không dẫn đến sự tách rời về kinh tế hoặc ngăn chặn công nghệ cao của Trung Quốc, như Mỹ đang làm.
Để đạt được mục tiêu đó, Bắc Kinh thúc giục các nước châu Âu phát huy quyền tự chủ của mình, cách lập luận tương đồng với tư tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một EU mạnh mẽ hơn và độc lập hơn.
Sau khi thăm Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái, ông Macron phát biểu EU nên theo đuổi quyền tự chủ chiến lược và tránh trở thành “chư hầu” trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Trong cuộc điện đàm ngày 27/4, ông Vương Nghị nói Bắc Kinh và Paris theo đuổi “độc lập và tự chủ”, phản đối việc “phân chia thế giới và đối đầu giữa các phe”.
Ông cho rằng cộng đồng quốc tế kỳ vọng hai nước sẽ có “tiếng nói chung”.
“Vào thời điểm tình hình quốc tế phức tạp và bất ổn, có nhiều thách thức và điểm nóng, cộng đồng quốc tế mong muốn Trung Quốc và Pháp hình thành lập trường thống nhất về các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình, ổn định thế giới cũng như tương lai và vận mệnh của nhân loại, đồng thời đưa ra tiếng nói chung”, ông Vương Nghị nói.
“Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi cấp cao với phía Pháp… và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực lên một tầm cao mới”, ông nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai bên nhất trí hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tạo nên “môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp của hai bên”.
Thông cáo cho biết hai bên cũng khẳng định phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như cuộc xung đột Nga - Ukraine và Israel - Palestine.
Thông cáo của Trung Quốc dẫn lời ông Bonne nói với ông Vương Nghị: “Hai bên nên chung tay giảm leo thang các điểm nóng, giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đóng góp tích cực để thu hẹp khoảng cách giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, tránh đối đầu giữa hai phe”.