Theo thông tin từ Bộ Công Thương, sau 10 tháng của năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,6%; sản xuất và phân phối nhiều ngành hàng có mức tăng rất mạnh. Đặc biệt, chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,5 điểm trong tháng 9/2022. Trong đó, sản lượng tiếp tục tăng mạnh.
Là một trong các bộ ngành có chính sách phát triển công nghiệp, trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất bằng việc tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu; chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.
Bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp – Xây dựng (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, giai đoạn 2016-2019, hoạt động sản xuất công nghiệp của nước ta luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân của toàn ngành tăng 9,5%/năm. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, IIP bình quân toàn ngành công nghiệp của cả nước chỉ tăng 4%/năm, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 2 đến tháng 9/2022, sản xuất công nghiệp đã lấy đà tăng trưởng với IIP toàn ngành công nghiệp liên tục tăng cao, bình quân tăng 9,3%/tháng. Trong đó, ấn tượng nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10%. Điều này cho thấy sự phục hồi trở lại của ngành sản xuất công nghiệp nói chung và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng.