Bình Dương sẽ xây dựng 4 cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để giảm thiểu phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến bị động trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Bình Dương sẽ tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ. Tới đây, địa phương này sẽ xây dựng 4 cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thông tin trên được đưa ra từ lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Dương tại Hội thảo “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam” do Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), UBND tỉnh Bình Dương và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức tại Bình Dương chiều ngày 15/9.

Trước sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước như Tập đoàn Lego, Tập đoàn THACO – Trường Hải đã có những chiến lược mở rộng, đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng giám đốc công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) cho biết, trước những biến động, doanh nghiệp đã liên tục thay đổi, thích nghi, nắm bắt thời cơ phát triển quy mô.

“Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư xây dựng 14 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô để tự cung tự cấp và làm theo đơn hàng. Chúng tôi đã và đang phát triển mô hình liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị,… Qua đó, phối hợp sản xuất - kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đỗ Minh Tâm nói.

Bình Dương sẽ xây dựng 4 cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn THACO trình bày về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Tập đoàn CNCTech cho biết thêm, để có một nền công nghiệp tự chủ, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh rất cần sự kết hợp nhiều yếu tố. Đầu tiên là sự chủ động nỗ lực của doanh nghiệp, nhưng cũng cần sự tiếp sức về cơ chế chính sách, khuyến khích của cơ quan chức năng.

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, lãnh đạo các doanh nghiệp ở Bình Dương cho rằng cần xây dựng các "chợ đầu mối" công nghiệp hỗ trợ ngay tại Bình Dương như ý tưởng về hình thành khu công nghiệp cơ khí, "chợ đầu mối" cho ngành giày da hay cho ngành chế biến gỗ.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, cho biết Nghị quyết của HĐND về danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.

Theo bà Hà, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, theo đó sẽ đầu tư 4 cụm công nghiệp hỗ trợ với diện tích mỗi cụm 75ha, trong đó có 1 cụm công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí.

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bình Dương địa phương này hiện có gần 2.300 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp hỗ trợ, trong đó nhiều nhất là chế biến gỗ với 953 doanh nghiệp, cơ khí có 710 doanh nghiệp, dệt may 442 doanh nghiệp và da giày 172 doanh nghiệp.

Tuy vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới chỉ đáp ứng tỉ lệ rất ít nhu cầu về nguyên phụ liệu, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng sắp tới của tỉnh là quan tâm nhiều hơn để phát triển, thu hút đầu tư trong nước để hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong nước mạnh, phát triển đồng hành với các doanh nghiệp FDI.

Hiện Bình Dương có trên 4.000 doanh nghiệp FDI và trên 50.000 doanh nghiệp trong nước. Nếu như doanh nghiệp nước ngoài giúp Bình Dương đứng top đầu cả nước về vốn FDI (8 tháng đầu năm 2022 thu hút trên 2,6 tỉ USD, xếp thứ hai cả nước chỉ sau TP.HCM), thì dòng vốn đầu tư trong nước cũng không nhỏ (8 tháng tổng vốn đăng ký là trên 62.000 tỉ đồng, xấp xỉ 2,7 tỉ USD).

Trên thực tế, trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử.

Đến nay, công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Việc đặt chân vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI cũng đã giúp các doanh nghiệp ở Bình Dương tự chủ về nguyên liệu trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Thực tế có thể thấy, nhiều doanh nghiệp đã hình thành liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc như trường hợp của Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern hay như chuỗi sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp tại Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active…

MỚI - NÓNG