FDI vắng dự án lớn, đăng ký cấp mới chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 7 tháng, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vào Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021 khi không có thêm dự án lớn (trên 100 triệu USD). Tuy vậy, tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư là có nhiều dự án điều chỉnh vốn tăng mạnh và mở rộng đầu tư.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số dự án FDI đăng ký cấp mới chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ.

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021. Thêm vào đó, sự sụt giảm của vốn đăng ký mới còn do năm ngoái có nhiều dự án quy mô vốn trên 100 triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,6% tổng vốn đăng ký mới của 7 tháng năm 2021.

Tính chung 7 tháng qua, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 40,2% tổng vốn đầu tư tính từ đầu năm 2022.

Trái ngược với sự chậm lại các dự án đăng ký mới, số dự án điều chỉnh vốn tiếp tục tăng khá mạnh. Cụ thể, có 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD (tăng 59,3% so với cùng kỳ);

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao, một mặt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. Mặt khác, phần nào phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới.

Đáng chú ý, vốn giải ngân tăng khá mạnh, ước đạt gần 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến thời điểm hiện tại, có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD (chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam).

Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dòng vốn FDI có chất lượng chưa cao, suy giảm từ năm 2020 đến nay, kéo theo nhiều khó khăn, thách thức về phát triển sản xuất trong nước, ổn định vĩ mô. Chất lượng vốn FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, khả năng đổi mới công nghệ của khu vực trong nước, cũng như có thể tác động đến cán cân thanh toán, khả năng dự trữ ngoại hối, tỷ giá … trong trung và dài hạn.

MỚI - NÓNG