Doanh nghiệp gặp khó với bài toán chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, để công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần cơ quan chức năng sớm gỡ hàng loạt vấn đề liên quan đến cơ chế vốn, giải ngân và quan trọng nhất là làm sao để đáp ứng các tiêu chuẩn để gia nhập chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI thay vì chỉ gia công, sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp như hiện nay.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ” diễn ra tuần qua ở Hà Nội, theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI, hàng loạt chương trình, chính sách đã được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đưa ra nhằm khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam để hướng đến việc hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, có thực tế, sau nhiều năm, dù lượng doanh nghiệp FDI đã gia tăng rất mạnh nhưng đến nay cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Số doanh nghiệp này chỉ chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Doanh nghiệp gặp khó với bài toán chuỗi cung ứng ảnh 1

Có chính sách mới giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận vốn để đầu tư dây chuyền công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Ảnh: Như Ý

Thực tế, một nguồn lực lớn đã được đầu tư, nhưng đến nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới chỉ chủ yếu làm được ở phần gia công cơ bản với các linh kiện và các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao và đặc biệt nhất là các sản phẩm này chiếm giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm hoàn thiện của doanh nghiệp.

Tỷ lệ nội địa hoá đối với ngành điện tử, gia dụng cũng mới chỉ đạt từ 30-35% nhu cầu linh kiện, điện tử. Tỷ lệ này với các ngành ô tô, xe máy đạt khoảng 40% còn trong ngành dệt may, da giày, nội địa hóa mới đạt 40-45%. Còn với những ngành công nghệ cao như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hoá thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt lần lượt là 15% và 5%. Đáng chú ý, trong số này, dù mang tiếng là nội địa hóa nhưng việc thực hiện phần lớn là các linh kiện trong các lĩnh vực điện, điện tử, ô tô, xe máy dệt may, da giày, chế biến, chế tạo… đều do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất. Tỷ lệ doanh nghiệp thuần Việt cung ứng được các sản phẩm vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia còn thấp hơn nhiều.

Tỷ lệ tham chuỗi cung ứng thấp, theo lãnh đạo VCCI, chủ yếu do Việt Nam không có các "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hoạt động trong môi trường thiếu đủ thứ, từ vốn, năng lực quản lý sản xuất, trình độ công nghệ và thậm chí cả con người. Điều này cũng lý giải việc hàng năm, dù có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối của nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam thông báo tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hoá sản xuất, nhằm giảm chi phí và đáp ứng linh kiện kịp thời nhưng việc đặt chân được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI không hề đơn giản.

Sớm giải bài toán về vốn

Doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu để trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp FDI… là đánh giá được bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra như lời giải cho việc vì sao doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt sau nhiều năm mới chỉ ở "vùng ven" cung cấp các sản phẩm không phải có hàm lượng công nghệ cao cho các doanh nghiệp FDI.

Bà Thủy cho biết, thông tin chính các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, hầu như chỉ có các nhà cung cấp cấp 1 tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới đáp ứng được các yêu cầu đặt ra hiện nay của khối doanh nghiệp FDI.

Thực tế các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài luôn có nhu cầu mua hàng từ các doanh nghiệp trong nước để tiết giảm chi phí và giảm tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng doanh nghiệp trong nước nội lực vốn yếu lại gặp khó đủ bề khi phải đáp ứng các yêu cầu về quản trị, đổi mới công nghệ nên thường phải lùi lại phía sau, tuột cơ hội vào tay các doanh nghiệp FDI.

Theo bà Bùi Thu Thủy, phải tập trung giải bài toán quy mô vốn mỏng, thay đổi quy trình quản trị, sản xuất để đáp ứng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài… sẽ là việc các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần phải ưu tiên nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu.

MỚI - NÓNG