Cán bộ thấy sai mà không nói cũng là 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội thì cán bộ phải “dám nói”. “Thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực”, ông Chiến nhấn mạnh.

Ngày 6/7, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội.

Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhận định, qua thực tiễn, càng xuống cấp dưới, công tác giám sát, phản biện xã hội càng khó khăn, lúng túng. Công tác giám sát mới chỉ dừng ở phát hiện, nêu ý kiến. Nhiều kiến nghị còn chung chung, không nêu rõ cơ quan thực hiện, giải quyết kiến nghị, chưa có cơ sở đánh giá, theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Từ đó, bà Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị phải lựa chọn đa dạng các hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với điều kiện thực tế; phát huy tính công khai, minh bạch, đặc biệt là nắm bắt dư luận, tập hợp được ý kiến, kiến nghị của hội viên, nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Cán bộ thấy sai mà không nói cũng là 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' ảnh 1

Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Trong khi đó, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề nghị tập trung giám sát phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Đồng thời quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của Nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh giám sát, phản biện xã hội là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân quan tâm, nhất là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới mỗi kỳ họp Quốc hội.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội, ông Chiến đề nghị tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân.

“Thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đảm bảo “tròn vai, thuộc bài”.

MỚI - NÓNG