Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Có nên ban hành nghị quyết?

TP - Dự thảo Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã được Bộ Nội vụ hoàn thành, nhưng nhiều nội dung còn đang vướng về vấn đề pháp lý. Cơ quan soạn thảo cùng một số đại biểu cho rằng, vấn đề này nên trình ra Quốc hội ban hành Nghị quyết, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trước tiên nên để Chính phủ ban hành nghị định, sau đó tổng kết, đánh giá, xem có cần nâng thành nghị quyết hoặc luật do Quốc hội ban hành. Báo Tiền Phong ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Có nên ban hành nghị quyết? ảnh 1

Ông Nguyễn Tuấn Ninh - Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ)

Ông Nguyễn Tuấn Ninh - Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ): Mong muốn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Mặc dù được Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo trình tự thủ tục rút gọn, nhưng đây là Nghị định khó, phức tạp, nhạy cảm. Do vậy, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo Bộ Nội vụ có văn bản lấy ý kiến các bộ, ban, ngành và các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, tổ chức các cuộc hội thảo. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo, gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Sau đó chúng tôi tiếp tục hoàn thiện dự thảo trên tinh thần bám sát chủ trương đường lối của Đảng, đặc biệt là Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Dự thảo Nghị định đã cơ bản hoàn thiện với 5 chương và 27 điều. Về biện pháp bảo vệ, khi cán bộ thực hiện đề xuất mới đã được phê duyệt, trong khi thực hiện mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, hoặc xảy ra rủi ro thiệt hại thì được miễn trách nhiệm. Trong đó, chúng tôi đưa ra 8 điểm được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định không chỉ bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm mà còn bảo vệ cả cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, trong quy định về khuyến khích cán bộ, có một số nội dung như nâng ngạch, thăng hạng hiện vướng Luật Công chức, viên chức; hay vấn đề bảo vệ cán bộ khi giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc miễn thì lại vướng luật hình sự…

Để Nghị định khi triển khai thực hiện đi vào đời sống, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là những cơ quan như tư pháp, viện kiểm sát, tòa án. Tuy nhiên, có những nội dung của Nghị định nếu ban hành thì vượt quá thẩm quyền của Chính phủ.

Chính vì vậy, các cơ quan tham mưu theo hướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ lập hồ sơ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để xây dựng một Nghị quyết thí điểm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trên cơ sở đó, sẽ ban hành Nghị định để triển khai thực hiện, như vậy, mới bảo đảm được tính pháp lý.

Chúng tôi kỳ vọng nếu kịp tiến độ, vấn đề này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, qua đó có thể trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, vào tháng 10/2023.

Ông Tô Văn Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Nên ban hành nghị định rồi tổng kết, đánh giá

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Có nên ban hành nghị quyết? ảnh 2

Đại biểu Tô Văn Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật. (Ảnh: Như Ý)

Tình trạng cán bộ không dám nghĩ, dám làm đã có từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng tình trạng này có vẻ diễn ra nhiều hơn trong thời gian gần đây. Trước tiên, đó là một bộ phận cán bộ có năng lực yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, nên sợ không dám làm. Còn trường hợp thứ hai là những cán bộ có tinh thần, trách nhiệm không cao. Họ có năng lực, có khả năng làm việc nhưng lại sợ sai. Họ thường vin vào câu “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, nên để giữ an toàn bản thân, họ thường làm ít hoặc không làm.

Lâu nay, chúng ta mới chỉ xử lý cán bộ có sai phạm chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý những người không chịu làm, né tránh trách nhiệm. Do vậy, chúng ta cần phải xây dựng cơ chế để coi những cán bộ, công chức không chịu làm là một trong những sai phạm và có cơ chế xử lý, từ đó mới khắc phục được vấn đề này.

Tất nhiên, cơ chế, chính sách của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện và vẫn còn những bất cập, chồng chéo, rồi cấp dưới hỏi cấp trên không trả lời kịp thời… Tuy nhiên, những vướng mắc về cơ chế chính sách cũng chỉ là một phần, điều quan trọng còn có cả yếu tố con người. Cho dù cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh, nhưng nếu cán bộ toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung, họ vẫn có cách làm hiệu quả. Ngược lại, dù cơ chế chính sách rất hoàn chỉnh, nhưng có người vẫn tìm ra kẽ hở để lách luật.

Việc cụ thể hoá Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung rất cần thiết. Theo tôi, trước mắt nên để Chính phủ ban hành nghị định này. Bởi những văn bản dưới luật như nghị định thì Chính phủ ban hành bao giờ cũng nhanh và kịp thời hơn. Sau một thời gian triển khai nghị định sẽ có tổng kết, đánh giá, lúc đó sẽ xem xét có cần nâng chính sách đó thành nghị quyết hoặc luật do Quốc hội ban hành hay không.

Quốc hội có thể ban hành nghị quyết thí điểm

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm: Có nên ban hành nghị quyết? ảnh 3
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Báo cáo giải trình tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ đã hoàn thành dự thảo nghị định, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, bộ ngành, chuyên gia, Bộ Tư pháp đã thẩm định, nhưng còn vướng vấn đề pháp lý, thẩm quyền, nên tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền. “Cần thiết chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm thì mới khuyến khích, bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm”, Bộ trưởng Trà nói.

Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, ở nơi nào người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo dẫn dắt thì nơi đó thành công, kỷ cương kỷ luật công vụ tốt. Hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc đồng bộ, thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm trong thực thi công vụ”.

Tin liên quan