Tranh luận tại quốc hội: Sợ sai, không dám làm... do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một trong những nội dung thu hút nhiều đại biểu tham gia tranh luận nhất trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội (ngày 31/5) là tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, không dám quyết, dám làm.

Trong cuộc tranh luận này, bên cạnh ý kiến phản ánh không làm vì không có lợi ích riêng, sợ vi phạm pháp luật thì cũng có ý kiến phân tích, nếu làm để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì “phải vi phạm không nhiều thì ít” do vướng mắc của hệ thống pháp luật.

Mổ xẻ nguyên nhân

Tranh luận tại quốc hội: Sợ sai, không dám làm... do đâu? ảnh 1

“Ngay trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng thế này thì giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay, đó là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt”. ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Trà Vinh, dành phần lớn thời gian để nói về tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề ông Tuấn đặt ra là tại sao từ trước đến nay không xuất hiện hiện tượng trên mà đến nay mới xuất hiện, không những thế, còn lan rộng từ trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư?

Ông Tuấn cho rằng, cán bộ sợ trách nhiệm gồm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất do suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng; nhóm còn lại sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm. Nhấn mạnh đây là thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, ông Tuấn đề nghị phải thay thế ngay những cán bộ trên bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.

“Giống như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng vì sự phát triển của cả đội bóng và vì màu cờ sắc áo sẵn sàng thay người khi quan sát thấy cầu thủ của mình thi đấu kém hiệu quả”, ông Tuấn nói.

Với nhóm thứ hai, ông Tuấn cho rằng, đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm; đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Nguyên nhân do một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện.

Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, ngày càng hiệu quả, khiến nhiều cán bộ lo sợ, vì từng làm việc tương tự trước đây. “Việc này đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán, ngại, lo sợ, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự”, ông Tuấn nói.

ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị Chính phủ sớm có những giải pháp toàn diện để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên. Ông Mai cũng kiến nghị có liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị căn bệnh trên, không để lan ra diện rộng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển.

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, tình trạng trì trệ đang khiến doanh nghiệp và người dân “đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”, làm mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức, làm mất cơ hội của họ.

Cá thể hóa trách nhiệm

Tranh luận tại quốc hội: Sợ sai, không dám làm... do đâu? ảnh 2

“Thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành hoặc pháp luật của Nhà nước”. ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh)

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Tây Ninh, cho rằng, tình trạng sợ sai, đùn đẩy công việc không chỉ như phân tích của đại biểu Tuấn.

“Thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành, hoặc pháp luật của Nhà nước”, ông Hậu nói.

Bày tỏ “rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời chất vấn rằng: luật là do chúng ta, trong thực tiễn đang vướng, mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì phải sửa”, ông Hậu đề nghị Quốc hội xem xét để có những cách làm, những trình tự, thủ tục phù hợp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để cán bộ, công chức, viên chức bớt phải dám nghĩ, dám làm, tập trung sức lực, trí tuệ, năng động, sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật.

Tranh luận tại quốc hội: Sợ sai, không dám làm... do đâu? ảnh 3

“Nguồn cảm hứng từ những vượt rào dám nghĩ, dám làm từ cởi trói của những đêm trước Đổi mới hiện nay vẫn còn. Do đó, trong điều kiện hiện nay rất cần cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum)

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nói rằng “nguồn cảm hứng của sáng tạo, “phá rào”, dám làm từ “cởi trói” trong sản xuất nông nghiệp trước đây, hay những “vượt rào” dám nghĩ, dám làm từ “cởi trói” của những đêm trước Đổi mới vẫn còn đó”.

Vì thế, ngoài việc xử lý trách nhiệm trong việc thực thi công vụ, ông Tám đề nghị cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc chậm tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, các văn bản quy phạm pháp luật.

“Trong điều kiện hiện nay, rất cần cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chính phủ cần sớm cụ thể Kết luận 14 của Bộ Chính trị thành cơ chế pháp lý để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm”, ông Tám đề nghị.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, trong xây dựng hệ thống pháp luật, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ bằng những cuộc họp bất thường, có nhiều nghị quyết để tháo gỡ khó khăn. Về đầu tư công, ông Hạ nói rằng, nhiều tỉnh giải ngân rất tốt.

“Trách nhiệm là từ người đứng đầu. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. Bây giờ ta tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người cho “đứng sang một bên” khi không làm được việc, việc này tôi cho mới là điểm chính”, ông Hạ kết lại phần tranh luận.

Giải trình những vấn đề mà đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, không dám quyết, làm làm.

Về xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, đến nay vẫn còn vướng về pháp lý, về mặt thẩm quyền nên phải báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết thì báo cáo Quốc hội, nếu Quốc hội có nghị quyết thí điểm thì mới bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Trước Quốc hội, bà Trà cũng đề nghị các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử nghiên cứu phân loại vụ việc có mức độ sai phạm, vi phạm, có tính chất, mức độ, động cơ; với những trường hợp không tham ô, tham nhũng, vụ lợi thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.