Cán bộ dám cãi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Loạt bài “Hóa giải nỗi sợ sai” của Tiền Phong khởi đăng từ đầu tuần này đã nhận được rất nhiều góp ý của bạn đọc. Một cán bộ nguyên là chuyên viên Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) gọi cho phóng viên bày tỏ rất tâm đắc với loạt bài nhưng cho rằng, “sợ sai” thì rất chính đáng, bởi là cán bộ công chức thì ai cũng sợ làm sai, nhưng vấn đề lớn nhất trong bộ máy hành chính hiện nay là không tham mưu, không đề xuất, không làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm với lý do là “sợ sai”.

Vị chuyên viên cho rằng, thời ông làm việc, dù còn thiếu về vật lực, nhân lực, nhưng “khí phách” cán bộ thì có thừa. Trong thời điểm sau đổi mới, vướng mắc cơ chế, chính sách rất nhiều, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, nếu không dám nghĩ, dám làm thì công việc sẽ “giậm chân tại chỗ”, địa phương kêu, doanh nghiệp kêu và cùng nhau “đói”. Do vậy, nhiều khi những chuyên viên phải “cãi” thủ trưởng, sẵn sàng tham mưu những điều pháp luật chưa rõ ràng, để mục tiêu chung là công việc phải chạy, dự án phải được duyệt, tiền phải được giải ngân thì cơ quan, đơn vị, bộ, ngành đó mới có sản phẩm. Đánh giá cán bộ cần căn cứ vào thực tiễn công tác, bằng sản phẩm cụ thể chứ không thể bằng những kết quả chung chung, không lượng hóa.

Cán bộ dám cãi ảnh 1

Tác giả Hà Nhân

Do vậy, ngoài yêu cầu “4 dám” là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, thì điều cần của cán bộ hiện nay là phải “dám cãi” đúng, cãi vì lợi ích chung. Bởi chắc chắn rằng, Đảng, Nhà nước cũng không cần những cán bộ “tròn vo”, “gọi dạ, bảo vâng” mà công việc được giao thì trì trệ, hỏi đến cái gì cũng tắc.

Trong cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với TPHCM mới đây, thông tin Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra rất đáng lo ngại. Đó là trong năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi và Bộ KH&ĐT phải trả lời 604 văn bản. Điều đáng nói, đây hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền TPHCM. “Việc này cho thấy có sự đùn đẩy, không phối hợp với nhau”, ông Dũng nói.

Lãnh đạo TPHCM cũng thẳng thắn thừa nhận có tình trạng cán bộ chậm trễ, tránh né, trì trệ, thiếu trách nhiệm, sợ sai phạm không dám làm...

Và hệ quả là kinh tế- xã hội quý I/2023 của TPHCM giảm tốc mạnh, chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 0,7 điểm phần trăm. 3 chương trình đột phá của thành phố thì nay lại chính là 3 điểm nghẽn: hạ tầng kỹ thuật; cơ chế chính sách; nguồn nhân lực và văn hóa.

Trong công điện mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm...

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cam kết, thành phố sẽ có biện pháp xử lý tình trạng này.

Tuy nhiên, để cán bộ hết sợ sai, dám làm, dám đổi mới thì trước hết, lãnh đạo cấp cao phải dám nghĩ, dám làm trước. Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, TPHCM cũng đang nỗ lực triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị (về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo…) và mong muốn sớm có nghị định của Chính phủ về nội dung này.

Rõ ràng, chỉ khi người đứng đầu đổi mới, có cơ chế cụ thể, thì cán bộ sẽ nhìn vào đấy yên tâm hành động quyết liệt vì lợi ích chung và nếu có rủi ro thì được bảo vệ. Có như vậy chúng ta mới có những “cán bộ dám cãi”. Như tinh thần của Thủ tướng, “phải bảo vệ cả người dám nói nữa, chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm. Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần”.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.