Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên:

TPHCM xin làm thí điểm chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố đang đề nghị Trung ương xem xét Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, trong đó có vấn đề xin thí điểm, thực hiện vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Vốn lớn, sức con người có hạn

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 18/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận năm nay số vốn đầu tư của thành phố quá lớn, trong khi “sức con người” có hạn, lực lượng không thể tăng theo vốn.

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa thống nhất phân công các thành viên Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng các tổ công tác, trực tiếp và thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai từng dự án và công tác giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố. Trong đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên làm Tổ trưởng tổ giám sát dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Nhìn thấy vấn đề này, lãnh đạo thành phố "đi và xem cách anh em bên dưới triển khai như thế nào, cũng như thấy những khó khăn, vướng mắc ra sao, để không “đè” xuống làm đuối sức anh em. “Qua đó, mình cũng sẽ nhìn thấy phương pháp, cách làm, trình độ, năng lực, ý chí quyết tâm anh em có làm đúng theo nhiệm vụ được giao không. Từ đó có những chia sẻ, tăng cường cần thiết, đồng thời cũng cần uốn nắn, xử lý nếu có vấn đề”, ông Nên nói.

Nói về việc bản thân và Thường trực Thành ủy trực tiếp tham gia các tổ giám sát đầu tư công các dự án trọng điểm trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc này không phải là Đảng làm thay cho Nhà nước hoặc làm thêm việc, mà là để chia sẻ, hỗ trợ những việc có liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo, "để thúc đẩy, để tháo gỡ cho anh em".

TPHCM xin làm thí điểm chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi công việc với cán bộ sở ngành thành phố tại kỳ họp. Ảnh: Ngô Tùng

Về chọn nơi giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, khi chống dịch ông chọn nơi phức tạp nhất, còn bây giờ là kiểm tra những công trình lớn, khó khăn nhất.

“Đi với tinh thần kiểm tra, giám sát, đồng thời mời người có liên quan, trong đó chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra chặt chẽ quy trình, tiến độ, chất lượng, hiệu quả chống tiêu cực... Nhìn thấy các vấn đề để sau này tham gia các khâu có trách nhiệm của mình. Thay vì đợi làm xong công trình mới đi thì giờ mình đi trước để nhìn thấy những khó khăn, vướng mắc, để chia sẻ, tháo gỡ, động viên”, ông Nên chia sẻ.

Xin làm thí điểm chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Chia sẻ về việc đội ngũ cán bộ giảm sút tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Bí thư Thành ủy TPHCM nhìn nhận việc này còn liên quan đến thể chế. TPHCM đang đề nghị Trung ương xem xét Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, trong đó có vấn đề xin thí điểm, thực hiện vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ông Nên cho biết, “Nghị quyết 54 mới” này có hai căn cứ là triển khai thực hiện Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị giao sứ mệnh rất lớn, đồng thời cũng có điều kiện, phương tiện tương đồng đảm bảo để đảm bảo bộ máy hoạt động.

TPHCM xin làm thí điểm chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 2

Quang cảnh Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa X.

Bí thư Thành ủy dẫn chứng thực tiễn câu chuyện thành phố đã linh động “xé rào” trong công tác chống dịch ở thời điểm cam go, bằng việc tăng cường các bác sĩ từ bệnh viện về hỗ trợ cho cơ sở. Ông Nên cho biết, điều này theo bộ chủ quản là không có trong quy định, nhưng thành phố buộc phải làm vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe người dân.

“Thực tế cuộc sống và pháp luật có nhiều vấn đề còn độ vênh nhất định. Nếu mình kiểm soát không kỹ, những quyết định đó sinh ra những phát sinh mới thì ai chịu. Do đó, điều này cần có một văn bản bảo vệ bằng pháp luật khi có rủi ro. Có những việc, người ta đi thanh tra, kiểm tra, điều tra thì đối chiếu theo luật chứ đâu có đối chiếu cái khác. Vì vậy, trước hết mình khuyến khích, động viên bằng việc làm những gì có thể. Đây là vấn đề hiện nay”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.