Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước'

TPO - Ngày 16/4, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kinh tế - xã hội. “Tinh thần là cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước. Các bộ, ngành vì TPHCM, TPHCM cũng vì các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ chung”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với đánh giá của các đại biểu về những khó khăn, hạn chế của thành phố. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này bao gồm cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, như: Sự trì trệ của một bộ phận cán bộ; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nhất là lĩnh vực liên quan đến điện tử, dệt may, da giày, chế biến, chế tạo…

Bên cạnh đó, “sức khỏe” của doanh nghiệp sau hơn hai năm chống dịch COVID-19 bị bào mòn; tiêu dùng cũng gặp khó khăn, sản xuất, kinh doanh chưa được đẩy mạnh…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước' ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiều nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn cho TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế nước ta với độ mở lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.

“Dự báo có thuận lợi, có thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Vậy nên, chúng ta phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức bằng các cơ chế, chính sách, tạo động lực, truyền được cảm hứng để người dân và doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước giải quyết những khó khăn này. Chúng ta nhất quán với mục tiêu, kiên trì, cương quyết thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

“Dự báo có thuận lợi, có thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Vậy nên, chúng ta phải tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức bằng các cơ chế, chính sách, tạo động lực, truyền được cảm hứng để người dân và doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước giải quyết những khó khăn này" - Thủ tướng Phạm Minh Chính

Về quan điểm điều hành và nhiệm vụ chung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục theo dõi, nắm chặt tình hình trong nước, ngoài nước và tình hình TPHCM. Bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả ba nhóm công việc: Công việc thường xuyên, công việc tồn đọng, công việc phát sinh; không cầu toàn, không nóng vội, không chủ quan cũng không bi quan.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ đã ban hành trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ gần đây và trong thời gian vừa qua, nhất là những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm sinh kế cho người dân; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, đồng thời tháo gỡ khó khăn về quy định PCCC và tổ chức thực hiện đúng tình hình, sát thực tế, mang tính khả thi và hiệu quả; quy hoạch, giao đất, định giá đất; triển khai chương trình phục hồi và phát triển, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy phong trào người dùng hàng Việt.

Tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh hiệu quả chương trình cụ thể về kinh tế, xã hội, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội…

Tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu). Chính phủ đã gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và đang đề xuất Quốc hội miễn giảm thuế, phí, lệ phí, TPHCM cần tổ chức thực hiện thật tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước' ảnh 2

Quang cảnh buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về xuất khẩu, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương và các doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh hiệu quả chương trình cụ thể về kinh tế, xã hội, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, phong trào “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu vừa giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, các thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, vay vốn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và giảm các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kết hợp với các giải pháp thực hiện công vụ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Đồng thời, động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những công việc chung. Xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan đến công tác cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực và nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến với 29 đề xuất, kiến nghị của TPHCM. Trong đó, có 24 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền các bộ, ngành.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại buổi làm việc theo định kỳ từng tháng, từng quý.

Tám nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ giao cho TPHCM và các bộ, ngành

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thành quy hoạch TPHCM, chậm nhất là trong năm 2023. Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ tập trung hỗ trợ cho TPHCM thực hiện.

Thứ hai, xây dựng các giải pháp để thúc đẩy sự hấp thụ vốn, tiếp cận vốn,… để tạo thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, giải quyết cụ thể các dự án liên quan về bất động sản của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, tháo gỡ nhanh các vướng mắc. Tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thứ tư, tập trung giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm về giao thông, tổ chức đền bù, hỗ trợ tái định cư.

Thứ năm, tập trung giải quyết cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nhanh thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Thứ sáu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện niềm tin, tâm lý xã hội bằng các giải pháp, chính sách, văn bản pháp lý cụ thể.

Thứ bảy, rà soát công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý, tránh xu hướng sợ trách nhiệm không dám làm, tránh tiêu cực, tham nhũng. Thành lập ngay tổ công tác do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng cùng với các bộ, ngành giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ tám, các bộ, ngành của Chính phủ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp giải quyết cùng TPHCM. TPHCM cũng phải chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất.

“Tinh thần là cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước. Các bộ, ngành vì TPHCM, TPHCM cũng vì các bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ chung” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tin liên quan