Tạo cơ chế cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại hội thảo về Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ngày 9/2, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Đã nhiều lần đề xuất Trung ương thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Tạo cơ chế cho cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 1
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (trái) trao đổi với đại biểu tại hội thảo. Ảnh: NGÔ TÙNG

Còn tư tưởng sợ sai

Tại hội thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo đánh giá hiện nay trong nội bộ Đảng vẫn còn tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm sợ sai, bởi sai sẽ bị xử lý theo cả dây chuyền, không rõ ai trách nhiệm chính. Thậm chí, đã có đại biểu Quốc hội từng có ý kiến “chẳng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn là đứng trước hội đồng xét xử”.

Bà Thảo cho rằng, mỗi vụ việc nếu có sai phạm cần xác định rõ ai chịu trách nhiệm chính, chứ không phải xử lý theo dây chuyền hết. Đảng bộ cần mạnh dạn bảo vệ cán bộ để đội ngũ nhìn vào đó tự tin, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Việc xử lý sai phạm phải rất đúng người, đúng việc và tâm phục, khẩu phục.

Bà Phạm Phương Thảo cũng chia sẻ, bản thân nghe được câu chuyện cán bộ bị yêu cầu viết đơn xin ra khỏi quy hoạch do đã hết tuổi. Theo bà, quy hoạch cán bộ là để đào tạo chứ không phải để bổ nhiệm, còn khi bổ nhiệm là việc cụ thể của cấp ủy, chính quyền. “Những thủ tục nhiêu khê như vậy chạm đến tình cảm, nỗi đau của cán bộ. Người ta có xin vào quy hoạch đâu mà yêu cầu người ta làm đơn ra khỏi quy hoạch, như vậy có máy móc quá không”, bà Thảo đặt vấn đề.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nói rằng muốn cán bộ không vướng vấp sai phạm, ngoài cơ chế lãnh đạo của Đảng, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách thực chất.

“Lưới trời lồng lộng, người ta biết hết nhưng sợ liên lụy tới bản thân. Không có cơ chế để bảo vệ người phản ánh thì họ kệ, được tới đâu hay tới đó”, ông Đảm chỉ ra hạn chế và đánh giá việc giám sát cán bộ, đảng viên chưa đủ.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực nhìn nhận, nạn tham nhũng thâm nhập vào nội bộ Đảng, hệ thống Nhà nước như hiện nay là đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn tới nhiều nguy cơ khủng hoảng, do đó cần được chấn chỉnh kịp thời. Theo ông Trực, để chấn chỉnh hệ thống tổ chức Đảng và tư tưởng, hành động của từng cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã nhiều lần tổ chức chỉnh huấn. “Trước đòi hỏi của thực tiễn cách mạng và kinh nghiệm lịch sử, việc tiến hành chỉnh đốn Đảng là yêu cầu đặc biệt quan trọng và cấp bách hiện nay”, ông Trực nhấn mạnh.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đề xuất, trước tiên cần rà soát cơ cấu bộ máy lãnh đạo các cấp, làm cho guồng máy chạy đều, thông suốt, đúng chức năng, nhiệm vụ… Cùng đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tránh trùng lắp, chồng chéo, bao biện.

“Xây dựng Đảng luôn song hành với đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là một yêu cầu khách quan, tự nhiên, một việc cần thiết, thường xuyên của một đảng cách mạng chân chính”.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, các đại biểu đã đem đến nhiều cách tiếp cận khác nhau với chiều sâu lý luận và thực tiễn, qua đó khẳng định tình cảm, trách nhiệm hết sức nghiêm túc, tâm huyết đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trao đổi thêm với ý kiến một số đại biểu, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, Đảng không có chủ trương vận động cán bộ ra khỏi quy hoạch vì bất cứ lý do gì, nếu có xảy ra là cá biệt và do năng lực người đứng đầu kém.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, đã nhiều lần đề xuất Trung ương thể chế hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. TPHCM cũng đã xin Ban Tổ chức Trung ương thí điểm áp dụng trước một số cơ chế trong bảo vệ cán bộ để thúc đẩy tinh thần năng động, sáng tạo trong nội bộ Đảng, chính quyền.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, thời gian qua nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật, có tư tưởng suy thoái, tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, tâm tư tình cảm của nhân dân.

Ông Nên cho rằng trong công tác chỉnh đốn Đảng cần đặt năm trụ cột lên hàng đầu: tư tưởng đạo đức; kiểm soát chặt các mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức; chăm lo giáo dục cán bộ đảng viên để có quan điểm lập trường, mục tiêu, lý tưởng; coi trọng triển khai giám sát (tự giám sát và giám sát) và không nên xa rời quần chúng, quan liêu, xa dân…

Đảng bộ, hệ thống chính trị phải tăng kiểm tra, giám sát, uốn nắn, gắn với chương trình hành động cá nhân, khen thưởng kịp thời, xử lý nghiêm minh. “Đảng có câu kế hoạch một phần thì biện pháp mười, kiểm tra, uốn nắn hai mươi để kịp thời phát hiện, giảm đi những sai phạm nguy hiểm”, ông Nên nói.

MỚI - NÓNG