Em Nam mất nhiều ngày mới nhặt đủ 1kg xác ve sầu |
Những ngày này dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng rất nhiều trẻ nhỏ các tỉnh ở Tây Nguyên vào rừng, đi khắp nơi nhặt xác ve sầu. Tại xã vùng biên Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) cả trẻ con, người lớn trên tay cầm túi nilon lùng sục xác ve sầu ở các rẫy điều, lô cao su. Gần trưa, em Trần Hạo Nam (9 tuổi) đầu trần đội nắng như đổ lửa đang cầm một bì xác ve sầu. Thành quả của cả buổi sáng hì hục nhưng chỉ được vài lạng, bởi xác ve sầu rất nhẹ.
“Cháu thấy người ta mua cả triệu đồng 1kg nên ở đây nhiều người đi tìm lắm. Việc này nhẹ nhàng nhưng phải chịu khó nhặt cả hai ngày mới được 1kg để bán. Nhiều người nhặt nên giờ quanh đây hơi khó tìm, phải đi sâu vào rừng mới nhiều”, Nam bộc bạch.
Ở xã Ia O, ai có xác ve sầu đem tới anh Trần Trung Hiển (33 tuổi) đều mua hết với giá từ 700 tới 1 triệu đồng/kg. Sau khi được một số lượng nhất định, anh sẽ bán lại cho thương lái khác với giá nhỉnh hơn một chút kiếm lời. “Tôi thu mua cũng như một mặt hàng để bán kiếm lời thôi, nhưng cũng không dám tích nhiều vì sợ thương lái Trung Quốc dở chiêu trò thổi giá. Nghe đâu họ mua để về làm thuốc Nam”, anh Hiển chia sẻ.
|
Việc thu mua xác ve sầu diễn ra ở cả tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông. Tại huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), bà Đ.H (45 tuổi) đã nhiều năm thu mua xác ve sầu để bán cho thương lái Trung Quốc. Bà H giải thích, xác ve sầu có hai loại, loại giá rẻ xác sẽ mỏng và có màu nâu đỏ, còn loại xác dày có màu sậm đắt hơn. Người này cho biết, hiện đang chuẩn bị vào mùa hè, nhộng ve sầu từ dưới đất bò lên cây cà phê thay xác rất nhiều.
Theo bà H, năm nay thương lái Trung Quốc cũng mua nhưng giá cao hơn nên nhiều người đổ xô đi tìm, có người dùng cuốc đào quanh gốc cây để nhặt. Ngoài bà H, ở Ngọc Hồi có nhiều thương lái thu mua, tích cả tạ trong nhà để đợi bán cho thương lái Trung Quốc.
Mỗi bao xác ve sầu khá lớn nhưng trọng lượng rất nhẹ |
Ông Nguyễn Thanh Nghi - Chánh văn phòng UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, địa phương đã nắm được thông tin thương lái trên địa bàn thu mua xác ve sầu. Trước mắt, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các xã kiểm tra, rà soát lại tình trạng thương lái thu mua. Đồng thời yêu cầu các xã tìm hiểu động cơ, mục đích của thương lái trong việc thu mua xác ve sầu là gì. Từ đó báo huyện để có hướng chỉ đạo, khuyến cáo cụ thể.
Theo ông Nghi, huyện cũng chỉ đạo các tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết tránh trường hợp đào bắt ve sầu ảnh hưởng đến sự phân bố, sinh sống của các sinh vật có ích trong môi trường đất; khuyến cáo người dân cảnh giác, thận trọng với các thông tin thu mua xác ve sầu với giá cao, lừa đảo, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội trên địa bàn.
Trong khi đó, theo lương y Tô Mạnh Cường - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Kon Tum, xác ve sầu hay còn gọi là thuyền thoái, thiền xác, thiền thuế được sử dụng trong y học cổ truyền như một vị thuốc thông thường điều trị một số bệnh như giật kinh phong, chữa sốt, ho mất tiếng, viêm tai giữa.