Thuốc đắng chữa bệnh 'bóng chuyền trách nhiệm'!

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 280 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Đây được xem như liều thuốc đắng chữa căn bệnh né việc, né trách nhiệm hay giới doanh nhân, người dân vẫn thường gọi là căn bệnh “bóng chuyền trách nhiệm”.

Thật hài hước khi phải ví một đơn vị trong một cơ quan công quyền hay thậm chí một cơ quan công quyền là “Câu lạc bộ bóng chuyền”, thành viên "Câu lạc bộ" đương nhiên là các vận động viên thứ thiệt, có đấu pháp, có kỹ thuật cá nhân khá điêu luyện. Nhưng cách ví von đó lại có phần đúng. Điều đáng buồn là căn bệnh này đã lây lan trong và phát tác mạnh trong hệ thống cơ quan công quyền từ địa phương đến trung ương, từ miền ngược đến miền xuôi…thời gian qua.

Khi nhận việc khó từ người dân và doanh nghiệp hay từ các cơ quan đơn vị trong hệ thống công quyền thay vì bàn cách tháo gỡ, các “cầu thủ” tìm mọi cách để “chuyền bóng” mà không phạm Luật, cố gắng một nhịp càng tốt. Và cứ thế A chuyền cho B rồi B chuyền cho C. C tiếp tục chuyền… và đến khi nào đó bóng lại về điểm xuất phát. Việc tiếp theo là lại kiến tạo những đường chuyền đẹp mắt, cố gắng không phạm Luật cho một hành trình không có hồi kết…

Thuốc đắng chữa bệnh 'bóng chuyền trách nhiệm'! ảnh 1

Tác giả: Phùng Sưởng

Ví dụ sinh động về câu chuyện này là một doanh nghiệp của Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) mà tác giả từng chứng kiến. Số là từ trước khi sáp nhập Hà Tây (2008), doanh nghiệp được giao đất làm khu công nghiệp. Dự án đình trệ vì thay đổi địa giới, tiếp đó chờ quy hoạch, khi có quy hoạch mới thì thay đổi chức năng khu đất và điều chỉnh dự án v.v...

Dự án vắt qua nhiều đời lãnh đạo, qua nhiều cấp ngành, sở, địa phương và nhiều Luật trong vòng 17 năm và doanh nghiệp thì rơi vào “ma trận” của các “cầu thủ” bóng chuyền. Công việc luẩn quẩn, chỉ có những tập văn bản thì ngày một dày lên. Vị doanh nhân này ngao ngán kể lại, có lần lên gặp một lãnh đạo cấp sở của thành phố, anh này hỏi: Chú bao nhiêu tuổi rồi? Vị doanh nhân trả lời: Chú đã 68 tuổi. Tiếp nhận tập tài liệu từ vị doanh nhân, anh cán bộ còn khá trẻ thủng thẳng: “Sao chú chưa nghỉ để con cháu đi làm việc này”?

Không biết hàm ý vị cán bộ kia như thế nào nhưng vị doanh nhân thì đắng lòng, 17 bảy năm trước mình mới 51 tuổi…? Khi tôi đặt vấn đề sao không đưa lên công luận, thì nhận được cái lắc đầu, thôi làm như vậy không khéo lại… dở hơn! Tôi hiểu rằng, người doanh nhân xuất phát từ quân ngũ đó chắc cũng giống như nhiều doanh nhân khác chỉ còn biết lựa chọn sự im lặng và chờ đợi phép…màu!

Vì sao có tình trạng trên? Trong Công điện của Thủ tướng đã chỉ ra, nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan là nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức…

Tuy nhiên trên thực tế có thể còn nguyên nhân nữa đó là một số cán bộ, công chức trong xử lý công vụ đặt lợi ích cá nhân lên trên, coi đó là động lực thúc đẩy công vụ. Khi thấy việc dễ việc khó nhưng có lợi thì sốt sắng giải quyết đêm ngày không phải “chuyền” cho ai. Cụ thể như các quan chức "dính chàm" đã rất nhiệt tình trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Ngược lại, khi nhận việc khó, việc có ít hoặc không có lợi ích cho cá nhân, cho nhóm lợi ích thì ngãng ra, đùn đẩy mà ví dụ điển hình mới đây nhất chính là câu chuyện “điều hành thị trường xăng dầu” và còn muôn vàn câu chuyện sinh động nữa.

Thế mới xuất hiện nhiều loại văn bản mỹ miều, luôn luôn an toàn, đại loại “Làm đúng theo quy định của pháp luật”; “Thống nhất về mặt nguyên tắc …”; “Doanh nghiệp phải phối hợp với đơn vị A, sở B, quận X,… để được hướng dẫn…”; rồi “việc này đang được hỏi…bộ nọ, ngành kia”. Thật là đúng, thật là kịp thời và tuyệt vời! Nhưng ôi, thử thực hiện các “lời vàng ý ngọc này” xem sao? Hãy đợi đấy. Nhiều doanh nghiệp khi nhận được các loại văn bản này ban đầu mừng rỡ, hân hoan nhưng một hồi nghiên cứu thì thấy hoa mày, chóng mặt.

Để ngăn chặn căn bệnh “bóng chuyền trách nhiệm” ngoài các giải pháp nâng cao tránh nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ công chức; mạnh dạn luân chuyển, thay đổi vị trí với những người sợ, né tránh nhiệm; bổ sung hành lang pháp lý để cán bộ yên tâm công tác; cụ thể quá quy trình, vị trí, trách nhiệm đối với từng lĩnh vực…mà Công điện của Thủ tướng đã chỉ ra, chúng ta cũng cần minh bạch hoá các quy trình giải quyết công vụ để người dân và doanh nghiệp được biết, giám sát. Đặc biệt, cần thiết phải có quy định về ngôn ngữ diễn đạt trong văn bản của cơ quan quản lý nhà nước phải rõ ràng, cụ thể không sử dụng những từ ngữ được hiểu theo nhiều cách, thậm chí khó hiểu. Kiên quyết trả lại và xử lý những tập thể, cá nhân gửi văn bản không đúng địa chỉ vì sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các cơ chế để tiếp nhận thông tin, xử lý khiếu nại từ doanh nghiệp, người dân, tạo hành lang để bảo vệ doanh nghiệp, người dân khi phản hồi thông tin về cán bộ công chức. Trong trường hợp có thể, tập trung giải quyết và xử lý điểm một số vụ việc nổi cộm, điển hình về sự né tránh, đùn đẩy tránh nhiệm… để thấy được quyết tâm của Chính phủ.

MỚI - NÓNG