Tham dự cuộc Tọa đàm có các chuyên gia quản lý, nhà khoa học, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, các nhân chứng trong thời kỳ trước và sau đổi mới nhằm đánh giá về thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng sợ sai, không dám quyết, dám làm; từ đó kiến nghị các giải pháp để hóa giải nỗi sợ sai này, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” |
Trước khi thực hiện cuộc tọa đàm này, Báo Tiền Phong đã thực hiện tuyến bài dài kỳ với chủ đề “Hóa giải nỗi sợ sai”. Qua tuyến bài cho thấy, chưa khi nào, tình trạng cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc; không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền lại có chiều hướng gia tăng như hiện nay.
Sự co cụm, sợ sai trong hoạt động công vụ dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ: Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.
Nhìn lại quá trình trước và sau đổi mới chúng ta thấy, những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước không chỉ tạo ra nền móng cho công cuộc đổi mới, đem lại lợi ích cho nhân dân và xã hội mà còn mãi truyền cảm hứng, khát vọng, tinh thần dấn thân cho cả thế hệ hiện tại và tương lai như ông Kim Ngọc, ông Võ Văn Kiệt, hay những cán bộ thực hiện “khoán chui” ở Hải Phòng…
Thông qua cuộc Tọa đàm, Báo Tiền Phong mong muốn lắng nghe ý kiến đa chiều từ các đại biểu nhằm có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng này. Từ đó, đề xuất các cơ chế, chính sách để không chỉ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo vệ đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo mà còn thắp lên ngọn lửa khát vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của đất nước.
Bạn đọc có câu hỏi gửi tới các khách mời xin gửi đến địa chỉ: online@baotienphong.com.vn.
Khách mời dự kiến:
1: PGS. TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
2: TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
3: TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
4: Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
5: Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới.
6: Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản