Cải tạo hồ gươm và phụ cận: Đừng lấy rêu phong làm trang sức

Hồ Gươm nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Phong.
Hồ Gươm nhìn từ trên cao. Ảnh: Trường Phong.
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, Hồ Gươm và vùng phụ cận là một phức hợp kiến trúc đô thị, văn hóa, tâm linh, cảnh quan, đặc sắc và đa dạng. “Phải tính tới chuyện chỉnh trang, sau đó cải tạo, hiện đại hóa. Phù hợp nhất là dùng từ nâng cấp, trong ý nghĩa có cả chỉnh trang, cải tạo và hiện đại hóa. Do vậy, cần làm có tầm, quy mô và bài bản”, ông Kính nói.

Làm một lần cho mãi mãi

Theo giáo sư Kính, Hà Nội đã có chỉnh trang ở một số vị trí, như ở khu vực Hàng Khay đang làm rất tốt, tuy nhiên, tới đây chỉnh trang sẽ can thiệp sâu hơn, những gì hư hỏng, không hợp thời, phản thẩm mỹ thì phải dẹp bỏ đi. “Phải làm cho diện mạo đô thị xung quanh hồ khang trang hơn. Đừng lấy sự rêu phong mốc meo cũ kỹ làm đồ trang sức.

Nhưng chỉnh trang không phải đồng nhất hóa, bởi cái đẹp của phố cổ Hà Nội, phố Tây, hồ Hoàn kiếm là bức tranh ghép đa dạng. Cần có con mắt nhìn, hiểu thật kỹ, phải giữ được tính riêng biệt của nhà này, nhà kia trong một dãy phố. Chỉ có đồng nhất ở chỗ phải làm cho khang trang, sạch sẽ”, KTS Hoàng Đạo Kính nói.

Chia sẻ về dự án hiện nay của quận Hoàn Kiếm về cải tạo, chỉnh trang khu vực vực xung quanh Hồ Gươm, ông Kính nêu quan điểm gọi chung là nâng cấp và hiện đại hóa. Những thứ cần nâng cấp là đường đi lối lại, vỉa hè, vườn hoa, bờ kè quanh hồ, cây xanh, hệ thống chiếu sáng. “Tất cả những cái đó mình đã có làm rồi, nhưng hiện nay triển khai thành một dự án lớn là cần thiết, bởi chúng ta bây giờ đã có điều kiện, phải làm có tầm, quy mô và bài bản”, ông Kính nói.

Theo ông Kính, trước đây việc đầu tư còn vá víu, kém chất lượng, không phải do vật liệu, thiết kế mà do chất lượng thi công chưa đạt yêu cầu. “Ý tưởng và giải pháp hiện nay rất tốt, ví dụ như chọn vật liệu bền vững để lát lại các vỉa hè, các đường đi lối lại sát hồ, làm một lần cho mãi mãi. Các thủ đô lớn như Paris, Matxcơva, London đều có độ bền hàng trăm năm. Mình làm hôm trước hôm sau đã hỏng”, ông Kính nói.

Cụ thể, ông Kính đánh giá cao việc chọn vật liệu đá hoa cương màu xám để lát hè, kết cấu hè có lớp lót, lớp nền, thẩm thấu nước là rất tốt. “Tôi nghĩ bài học ở đây là chất lượng thi công. Nên làm thử từng đoạn một, yêu cầu hết sức gắt gao. Phải làm sao để thế hệ này, thế hệ sau đi nó mòn đi chứ nó không xói lở”, ông Kính nói.

Đặc biệt, theo ông Kính, khu vực đường dạo xung quanh hồ hiện nay đã biến dạng, chỗ lồi, chỗ lõm vì nền bị hỏng, phải ổn định lại. Khi kè hồ, phải bền, chắc, nhưng lưu ý đến việc “hô hấp”, không được tách biệt mặt nước ra khỏi đất. Cần phải thiết kế mềm, uốn thật khéo theo thế của bờ hồ, ông Kính nêu quan điểm.

Hạn chế việc xây dựng quanh hồ

Về cây, ông Kính nêu quan điểm, tạo vườn hoa, luống hoa rất tốt nhưng không nên làm những bồn cao quá, thô quá. Cũng không nên tạo sự thay đổi đột ngột trong việc trồng cây. “Phải có kiểm kê, đánh giá quỹ cây cối của hồ Gươm theo hai tiêu chí, tính đa dạng và tuổi của cây. Hồ Gươm có kiến trúc phong cảnh tạo ra ở nhiều thời, có tính dân gian, dân dã.

Tránh đồng nhất hóa cây, trồng một thứ cây là không được. Nên giữ lại tính đa dạng và dân dã của hồ Gươm, tính đa dạng thảm thực vật phải giữ”, ông Kính nêu. Ông Kính cũng cho rằng, phải giữ lại những cây có tuổi đời cao. Những cây nào có tuổi đời cao, không có nguy cơ sập đổ, không ảnh hưởng đường sá phải giữ lại. Phải giữ cây cổ thụ, có kế hoạch thay dần cây.

Với đặc trưng riêng của hồ Gươm, hệ thống chiếu sáng phải có những cấp độ khác nhau, chỗ thì chiếu sáng tập trung, chỗ thì phân tán, cường độ không được cao. Các cột điện, nếu có phải thiết kế đặc sắc, không nên nhại cổ mà có yếu tố riêng. Hà Nội cũng nên rà soát lại những quy chế để hạn chế việc xây dựng quanh hồ. “Phải dựa trên cơ sở một quy chế về duy trì chỉnh trang kiến trúc mặt phố hồ Gươm, mang tính vừa nguyên tắc, khả thi. Phải có quy định khống chế về chiều cao, thể tích ngôi nhà, màu sắc. Không thể đưa màu lòe loẹt ra được...”, ông Kính nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, cho tới thời điểm này, dự án cải tạo hạ tầng kết hợp với chỉnh trang cảnh quan xung quanh hồ Gươm đang tiến hành các công tác chuẩn bị đầu tư. “Quận đang trình Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Khi được sở thẩm định và thành phố phê duyệt thì quận sẽ triển khai. Với lộ trình dự kiến trong quý II/2018 sẽ khởi công và thực hiện trong 6 tháng sẽ xong. Đảm bảo hoàn thành trong năm 2018”, ông Long nói.

Ông Long chia sẻ, dự án này nhận được rất nhiều đóng góp, kể cả ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà khoa học và người dân. Với hơn 1.124 phiếu phát ra,  tổng số 93,1% đồng ý. Còn một số ý kiến khác đang băn khoăn, liên quan đến việc có nhất thiết phải cải tạo hay không?

“Việc này thì như ban đầu chúng tôi đề cập, dự án lần này, quận Hoàn Kiếm xác định là phải chuẩn bị chu đáo và tiến hành triển khai trước vấn đề hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật như cải tạo kè hồ, cấp điện cấp nước, thoát nước, sau khi hoàn chỉnh xong hạ tầng kỹ thuật thì mới tiến hành phần lát lại vỉa hè. Hiện nay vật liệu gần nhất làm từ năm 2010 thì cũng đã 8 năm rồi. Nhiều vật liệu đã hết thời hạn khấu hao rồi”, ông Long nói. Theo ông Long, các hạng mục thực hiện đều không tác động đến các công trình quanh hồ, không gây ảnh hưởng mà chỉ có tôn vinh thêm giá trị các công trình di tích.

“Phải làm cho diện mạo đô thị xung quanh hồ khang trang hơn. Đừng lấy sự rêu phong mốc meo cũ kỹ làm đồ trang sức. Nhưng chỉnh trang không phải đồng nhất hóa, bởi cái đẹp của phố cổ Hà Nội, phố Tây, hồ Hoàn kiếm là bức tranh ghép đa dạng. Cần có con mắt nhìn, hiểu thật kỹ, phải giữ được tính riêng biệt của nhà này, nhà kia trong một dãy phố. Chỉ có đồng nhất ở chỗ phải làm cho khang trang, sạch sẽ”.

KTS Hoàng Đạo Kính 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.