Á khôi Tài sắc Việt Nam: 'Mang tiền về cho mẹ không đáng để tranh cãi'

0:00 / 0:00
0:00
"Dù bố mẹ không yêu cầu, nhưng mang tiền về biếu bố mẹ cũng là một dạng báo hiếu, thể hiện rằng con đã trưởng thành, đặc biệt là trong ngày Tết", Á khôi Nghiêm Hoàng Diễm Anh nêu quan điểm.

Biếu bố mẹ tiền, sao phải tranh cãi?

Những ngày qua, bản rap "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu đã tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về thông điệp cùng tên bản rap. Trái với thông điệp mà Đen Vâu muốn truyền tải, không ít người cho rằng đề cao việc mang tiền về cho mẹ là thô và thực dụng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Á khôi Nghiêm Hoàng Diễm Anh cho rằng việc biếu bố mẹ tiền mình làm ra là không đáng để tranh cãi.

Á khôi Tài sắc Việt Nam: 'Mang tiền về cho mẹ không đáng để tranh cãi' ảnh 1

Nghiêm Hoàng Diễm Anh là Á khôi Hoa khôi Tài sắc Việt Nam 2019, Top 15 Gương mặt Thương hiệu (Ảnh: NVCC).

"Bố mẹ tôi không yêu cầu hay gây áp lực cho tôi phải gửi tiền về cho bố mẹ hàng tháng, hay dịp lễ tết. Nhưng biếu bố mẹ một vài đồng để chi tiêu hàng ngày, hay sắm sửa cho dịp Tết là điều bình thường và nên làm.

Những người phê bình việc mang tiền về cho mẹ có thể do gia đình họ khá giả, nên họ không cần bận tâm về tiền bạc, vật chất. Nhưng có những người bố mẹ ở quê làm nông, không có của ăn của để, tuổi già nhiều bệnh tật, thì việc chu cấp cho bố mẹ hàng tháng là rất thực tế", Diễm Anh nói.

Á khôi 9x nhấn mạnh, dù bố mẹ có khá giả hay không, thì cũng nên biếu bố mẹ tiền, tùy hoàn cảnh mà biếu nhiều hay ít chứ không có thước đo nào cả. Vì tiền ở đây không chỉ nghĩ theo nghĩa đen, đó còn là tình yêu thương, sự quan tâm, báo hiếu với bố mẹ. Nhưng không phải gửi tiền xong là xong, con cái ở xa nên gọi điện hỏi thăm, thu xếp công việc để về chơi với bố mẹ khi có thể.

Diễm Anh cho biết, từ khi đi làm, cứ đến gần Tết, cô thường gửi một khoản tiền nhỏ cho mẹ. Có năm ít, có năm nhiều nhưng dù gì cũng phải có. Số tiền đó mẹ cô dùng để sắm sửa đồ đạc đón Tết, lì xì cho con cháu trong nhà. Ngày sinh nhật bố mẹ, cô cũng hỏi thăm và chuẩn bị quà, tùy tâm chứ không nhất thiết là phong bì, hay quà đắt tiền.

"Hơn tất cả, bố mẹ mong muốn nhìn thấy mình đã trưởng thành và có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc. Vì được con quan tâm đến là vui rồi, chứ bố mẹ không đặt nặng vấn đề tiền bạc.

Có khi mình biếu tiền, nhưng bố mẹ tiết kiệm không dám tiêu, mình lại động viên bố mẹ mua sắm. Đôi khi thay vì cho tiền, mình tự sắm đồ đạc cho gia đình, hay đơn giản là mua đồ ăn về cả nhà cùng ăn", Diễm Anh nói.

Á khôi Tài sắc Việt Nam: 'Mang tiền về cho mẹ không đáng để tranh cãi' ảnh 2

Diễm Anh đẹp dịu dàng trong bộ ảnh chào Xuân (Ảnh: NVCC).

Diễm Anh cho biết, cô nghe bản rap này của Đen Vâu nhiều lần và thấy không đáng để tranh cãi. Khán giả không nên chỉ nhìn vào tên bài hát để đánh giá. Ngay cả ở tên bài hát, nếu khán giả để ý kỹ thì "mang tiền về" còn ý nghĩa hơn cả gửi tiền về, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền.

"Bao giờ lấy chồng?" là câu hỏi quan tâm

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, cộng đồng mạng cũng sôi nổi tranh luận về việc có nên bỏ Tết cổ truyền, hay các nghi thức truyền thống… thay vào đó là đi du lịch, nghỉ ngơi. Nhiều bạn trẻ cho rằng, hàng loạt câu hỏi riêng tư từ phía người thân trong ngày Tết gây khó chịu.

Diễm Anh cho biết, bản thân cô thấy những câu hỏi Bao giờ lấy chồng?, Lương tháng bao nhiêu?, Xin được việc chưa?,… là những câu hỏi thể hiện sự quan tâm rất bình thường của anh em, họ hàng.

"Sau một năm đi làm, ít có cơ hội gặp mặt, thì mọi người hỏi những câu như thế tôi thấy vui mà. Có thể đó là những câu hỏi xã giao, mở đầu câu chuyện hay thể hiện sự quan tâm. Hỏi để hiểu nhau hơn, vun đắp tình cảm.

Á khôi Tài sắc Việt Nam: 'Mang tiền về cho mẹ không đáng để tranh cãi' ảnh 3

Hiện tại, Diễm Anh đang làm việc cho một công ty quảng cáo và theo đuổi hoạt động nghệ thuật (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên cũng có những câu hỏi nhạy cảm mà mình không muốn trả lời, thì tôi cũng không tỏ ra khó chịu. Trước câu hỏi "Bao giờ cháu lấy chồng?", tôi thường trả lời rằng: "Chắc là duyên chưa tới nên cháu vẫn chưa có người yêu, chưa lấy chồng. Cháu cũng đang tìm một người đàn ông tin tưởng, yêu thương cháu", Diễm Anh chia sẻ.

Diễm Anh cho biết, cô là người theo lối sống truyền thống. Cô thích Tết cổ truyền, thích sum vầy bên gia đình, nhìn ngắm hoa đào nở, đi chợ hoa ngày Tết hay không khí chuẩn bị đón năm mới.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Diễm Anh mong muốn đi thăm ông bà, họ hàng, bạn bè, chúc nhau những điều tốt lành ngày đầu năm mới, đi chùa cầu bình an,…

"Có thể vì hoàn cảnh, công việc nên nhiều người cảm thấy áp lực, mệt mỏi mỗi dịp Tết. Theo tôi, tùy hoàn cảnh mà có thể giảm bớt một số nghi thức cầu kỳ, không cần thiết cho bản thân và gia đình mình. Còn những phong tục truyền thống tốt đẹp thì không nên bỏ nếu có thể.

Hiện tại, công việc của tôi cũng ổn định rồi. Năm mới tới, tôi cũng mong muốn tìm được một người phù hợp để lập gia đình. Công việc sau đó sẽ vẫn phát triển bình thường. Tôi cũng muốn hoàn thiện và cố gắng làm những điều chưa từng làm", Diễm Anh chia sẻ.


Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/a-khoi-tai-sac-viet-nam-mang-tien-ve-cho-me-khong-dang-de-tranh-cai-20220111073234241.htm

Theo Quang Trường/Dân trí
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.