Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng thượng vị, đau âm ỉ liên tục. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ Khoa Ngoại bụng I cho biết, trước đó bệnh nhân đến một bệnh viện tại Hà Nội để chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và được chẩn đoán hạch ổ bụng theo dõi u lympho.
Tuy nhiên 3 tuần trở lại đây, gia đình phát hiện bụng bệnh nhân có những dấu hiệu lạ, thể trạng ngày càng gầy, 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau nhiều hơn nên gia đình đưa bệnh nhân vào viện.
Kết quả xét nghiệm và chụp chiếu cho thấy có những khối u xuất phát từ thân vị xâm lấn lách, kích thước lớn nhất 13x8cm, ngoài ra nằm rải rác khắp ổ bụng có rất nhiều u kích thước to nhỏ khác nhau, trong đó có một số khối u gây tắc ruột non, ổ bụng có dịch.
Các bác sĩ nhận định chẩn đoán u lympho không thỏa đáng và tiến hành bổ sung một số thăm dò cận lâm sàng trong đó có nội soi dạ dày, sinh thiết u, kết quả giải phẫu bệnh nghĩ đến u mô đệm đường tiêu hoá (GIST).
Bệnh nhân được chẩn đoán là Gist dạ dày có biến chứng chảy máu.Tiên lượng đây là một ca bệnh khó vì có quá nhiều khối u đã biến chứng chảy máu, nguy cơ tắc ruột và chèn ép nhiều cơ quan, cộng thêm thách thức là thể trạng bệnh nhân ngày càng mệt mỏi, suy yếu, nếu không phẫu thuật kịp thời, nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao. Không còn thời gian chờ đợi, các bác sĩ quyết tâm tiến hành phẫu thuật.
Dưới sự chỉ đạo của bác sĩ TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Hoàng Mạnh Thắng, Phạm Hữu Huỳnh, bác sĩ nội trú Nguyễn Văn Hùng và bác sĩ gây mê Bùi Thái Thành tiến hành ca phẫu thuật kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ.
Kíp phẫu thuật đã cắt bỏ một phần dạ dày kèm lách, cắt nhiều đoạn ruột bị u xâm lấn nguy cơ gây tắc ruột tương lai, lấy những u rải rác trong ổ bụng. Đúng như dự đoán trước mổ, gần 100 khối u đã chiếm phần lớn ổ bụng, nhiều khối u đã vỡ gây chảy máu, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Các bác sĩ cho biết, đây là một trường hợp đặc biệt- ung thư di căn nhưng có biến chứng nên phải xử lý triệt để, cứu sống bệnh nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho phương pháp điều trị đặc hiệu tiếp theo.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực và theo dõi rất sát sao. Hiện tại, bệnh nhân có thể tự thở,các chỉ số huyết động ổn định và tiếp tục được theo dõi.
Theo bác sĩ Bình,, u mô đệm đường tiêu hoá trước đây được xếp vào nhóm u cơ trơn đường tiêu hoá. Gần đây, với những tiến bộ trong nghiên cứu về tế bào và giải phẫu bệnh, bệnh này được xếp vào nhóm riêng với phương pháp điều trị đặc hiệu (phẫu thuật và điều trị trúng đích).
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi (gặp nhiều nhất ở độ tuổi 50-60), không phân biệt giới tính. U gặp nhiều ở dạ dày và ruột non. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những nguy hiểm khi u vỡ trong ổ bụng gây chảy máu, tắc ruột do hay u to gây chèn ép các cơ quan, bộ phận bên trong hoặc di căn xa. Do vậy, nếu phát hiện cần được mổ sớm để tránh biến chứng và xác định chính xác bản chất khối u