Năm 2018, dư luận xôn xao về “chuyến tàu vét 174” (Quyết định 174); năm 2019, thực hiện Quyết định 37, nhóm các nhà khoa học trẻ cũng có tâm thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thể hiện quan điểm không phục kết quả đánh giá của các hội đồng GS. Điều này dẫn đến xã hội nhìn nhận dường như năm nào xét công nhận tiêu chuẩn GS, PGS cũng có “chuyện”, ông nghĩ sao?
Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Quyết định 37, đối tượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là các giảng viên đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ĐH, nhân tố ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Do vậy, các ứng viên cần hội tụ đủ các điều kiện về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, thiếu một trong hai nhóm điều kiện này sẽ tạo nên sự khuyết thiếu để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của nhà giáo. Quyết định này đã quy định các tiêu chuẩn về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời cho phép dùng các công trình khoa học để bù cho những tiêu chuẩn đào tạo chưa đủ.
Một số nhà khoa học trẻ có tâm tư vì cho rằng có thành tích nghiên cứu khoa học tốt, nhiều công trình công bố quốc tế sẽ được dùng để thay thế cho các tiêu chuẩn về hoạt động đào tạo. Nhưng trong Quyết định 37 đã quy định rõ 5 nhiệm vụ của GS, PGS, trong đó đến 4 nhiệm vụ liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, tạo dựng uy tín và chuyên môn để lôi cuốn; đào tạo thế hệ trẻ tiếp bước trên con đường khoa học, phát triển chương trình đào tạo góp phần phát triển đất nước.
Ông Trần Anh Tuấn
Do vậy, Hội đồng GS Nhà nước (HĐGSNN) đã thống nhất thực hiện đúng các quy trình, đối tượng và quy định tại Quyết định 37, trong đó thực hiện nghiêm những tiêu chuẩn “cứng”, như: Tổng điểm quy đổi tối thiểu, chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo đối với ứng viên GS, số công trình khoa học quy định, 3 năm cuối giảng dạy liên tục; áp dụng quy định của Quyết định 37 theo hướng nâng cao đối với những tiêu chuẩn được bù thay thế về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, các ứng viên không đủ đối các tiêu chuẩn này là chỉ được thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ.
Qua trao đổi với thành viên các HĐGS ngành, liên ngành, có thể thấy Quyết định 37 có nhiều điểm “mờ” dẫn đến khó thực hiện. Với “điểm mờ” này, sắp tới HĐGSNN có hướng dẫn, điều chỉnh hay rút kinh nghiệm gì không?
Điểm “mờ” theo ý kiến của phóng viên là một vài điểm trong quy định cho phép vận dụng linh hoạt lấy các điều kiện khác (vượt trội) bù cho các điều kiện thiếu. Trong đó, khái niệm “không đủ” ở một số tiêu chuẩn được quan tâm nhiều nhất. Trong thực tế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019, HĐGSNN đã nắm bắt được những phản ánh này và chỉ đạo kịp thời cho các HĐGS các cấp thực hiện. Qua đó, khái niệm “không đủ” ở một số tiêu chuẩn đã được hiểu và thực hiện nhất quán tại 25/28 HĐGS ngành, liên ngành là “thiếu một phần”; một số ít hội đồng hiểu và vận dụng khái niệm này là “không có” hoặc “thiếu toàn bộ” đã được chấn chỉnh và điều chỉnh tại phiên họp của HĐGSNN khi xem xét kết quả đề nghị của HĐGS ngành, liên ngành.
Một quy định mới khi đưa vào thực hiện trong điều kiện thực tế có thể nảy sinh những điều còn bất cập. Qua những phản ánh nhận được, HĐGSNN đã chỉ đạo vận dụng theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ GS, PGS. Mặt khác quy định cũ (Quyết định 174) được thực hiện trong 10 năm qua, nhiều thành viên HĐGS các cấp đã quen với quy trình thực hiện cũ nên cảm thấy khó khăn khi tổ chức thực hiện quy định mới. Từ năm 2020 trở đi, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sẽ nhuần nhuyễn hơn vì các HĐGS đã có kinh nghiệm.
HĐGSNN sẽ tổ chức hội nghị tổng kết công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019 để đúc kết kinh nghiệm, rút ra bài học từ thực tiễn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, những hạn chế và kiến nghị đối với Quyết định 37. Nếu được sự đồng ý, HĐGSNN sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung theo quy định hiện hành.
Ba ứng viên đạt chuẩn PGS có bằng 2 tiếng Anh ĐH Đông Đô
Trong số 349 ứng viên PGS đạt tiêu chuẩn công nhận năm nay, có 3 ứng viên có văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, 3 ứng viên này, gồm: 1 ứng viên đến từ ngành Thủy Lợi, được ĐH Đông Đô cấp bằng tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh năm 2019; 1 ứng viên đến từ ngành Vật lý. Ứng viên này không ghi bằng tốt nghiệp năm nào; 1 ứng viên đến từ ngành Y, tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô năm 2018.
Tuy nhiên, thông tin từ Hội đồng GS Nhà nước cho biết, cũng như tất cả các ứng viên khác, ba ứng viên này đều có tổ đánh giá ngoại ngữ sát hạch tại hội đồng cơ sở. Cả ba ứng viên cũng đều báo cáo tổng quan bằng tiếng Anh tại hội đồng ngành. Kết quả, 3 ứng viên đều đạt yêu cầu đề ra về trình độ ngoại ngữ.
Trước khi bước vào xét PGS, GS năm 2019, do xảy ra vụ việc bán văn bằng 2 tiếng Anh tại trường ĐH Đông Đô, nên Hội đồng GS Nhà nước đã lưu ý các hội đồng cơ sở, hội đồng ngành về vấn đề này.
Trong khi đó, hôm qua, PGS Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng GS Nhà nước cho biết, Hội đồng vừa nhận được một đơn xin rút khỏi danh sách được công nhận đạt chuẩn GS. Theo ông Tuấn, ứng viên này xin rút vì lý do cá nhân. Trước đó, theo kết quả xét duyệt được Hội đồng GS Nhà nước công bố, số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định là: 75 ứng viên GS, trong đó có 1 ứng viên đề nghị xét ở dạng đặc biệt, 349 ứng viên PGS.
Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký ban đầu tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 58,48% (trong đó tỷ lệ đạt của ứng viên GS là 63,02%, ứng viên PGS là 57,59%). Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì năm 2019, Việt Nam có 74 ứng viên GS và 349 ứng viên PGS đủ tiêu chuẩn công nhận.
N.H