Xét công nhận GS, PGS năm 2019: Băn khoăn bài báo khoa học quốc tế ngành xã hội

Nhóm ngành khoa học xã hội vẫn rất “hẻo” bài báo quốc tế chất lượng thực sự
Nhóm ngành khoa học xã hội vẫn rất “hẻo” bài báo quốc tế chất lượng thực sự
TP - Trong khi các ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) khối ngành kỹ thuật, khoa học cơ bản ấm ức vì thành tích nghiên cứu khoa học “khủng” vẫn bị loại thì các ứng viên khối ngành văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao đạt tiêu chuẩn khiến dư luận băn khoăn vì thành tích nghiên cứu khoa học quốc tế “hẻo”, thậm chí còn nghi ngờ đăng ở tạp chí rởm.

Hội đồng GS liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục thể thao có 16 ứng viên PGS, 1 ứng viên GS đưa lên Hội đồng Chức danh GS Nhà nước  (GSNN). Kết quả, có 14 ứng viên PGS và 1 ứng viên GS đủ điều kiện để công nhận GS, PGS năm 2019. Tuy nhiên, trong số 14 ứng viên này còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế của họ.

Cụ thể, ứng viên đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang là giảng viên thỉnh giảng. Trong hồ sơ tự khai của ứng viên này có 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí nước ngoài sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Một bài đăng trên chuyên luận khoa học của Ba Lan và một bài đăng trên tạp chí Nghệ thuật trên con đường tơ lụa của Trung Quốc.

Ứng viên GS duy nhất của ngành này cũng bị có ý kiến khi năm 2019 có 2 bài đăng trên tạp chí quốc tế  International Relations and Diplomacy của NXB David publishing company. NXB này được nhà thư viện học người Mỹ Jeffrey Beall liệt kê là nhà xuất bản rởm (https://beallslist.weebly.com/)

Một ứng viên đạt tiêu chuẩn PGS đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia có 1 bài báo duy nhất đăng trên kỷ yếu quốc tế, nhưng là bài kỷ yếu tham gia một cuộc tọa đàm (Seminar) ở Thái Lan. Ứng viên này được cấp bằng tiến sĩ năm 2015 và bài báo cũng được khai là xuất bản năm 2015 sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Ứng viên khác đến từ ngành Thể dục thể thao có 3/7 bài báo đăng trên một tạp chí có tên trong danh sách tạp chí quốc tế uy tín của Hội đồng Liên ngành Văn hoá - Nghệ thuật, Thể dục, Thể thao được cho là tạp chí đáng ngờ. Điều đáng nói, 3 bài này có 2 bài đăng trong 1 số ra ngày 3/6/2019.

Giải thích của lãnh đạo Hội đồng

Trước những băn khoăn của dư luận, sáng 27/11, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS. Tạ Ngọc Tấn, Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục Thể thao. Ông cho biết  nguyên tắc chung khi tính điểm các bài báo khoa học là đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI hoặc Scopus (các tạp chí nổi tiếng thế giới) và tạp chí của 500 trường ĐH  đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nên hội đồng liên ngành đã báo cáo với Hội đồng GSNN và có đề nghị ngoài thực hiện chung theo quy định, hội đồng căn cứ vào chất lượng từng bài báo cụ thể để tính điểm.

GS.Tạ Ngọc Tấn cho biết liên ngành gồm 15 ngành nhỏ và là những ngành rất đặc thù. Thậm chí có những chuyên ngành khóa trước không có người đủ tiêu chuẩn vào hội đồng nên phải đặc cách. Trong quyết định 29 công nhận danh mục các tạp chí, ngoài tiêu chuẩn chung có cho phép các tạp chí được hội đồng GSNN đưa lên, hội đồng liên ngành có quyền quy định các tạp chí khoa học quốc tế khác.

Chính vì vậy, Hội đồng Liên ngành đã có Nghị quyết quy định chuẩn cho các bài báo quốc tế gồm: Đăng trên các tạp chí của các trường ĐH chính danh, đảm bảo chất lượng, các bài báo thực sự có ý nghĩa đối với ngành, liên ngành. Ba tiêu chí này phải đảm bảo đồng thời.

 GS.Tạ Ngọc Tấn khẳng định, khi xét hồ sơ của các ứng viên, các thành viên hội đồng đều có chuyên gia đồng hành để rà soát. Thực tế, danh sách tạp chí của ISI, Scopus không bao quát hết, đặc biệt một số nước như Nga không tham gia nên danh mục tạp chí của họ không có trong ISI, Scopus.

Cụ thể về các ứng viên được phản ánh, GS. Tạ Ngọc Tấn cho biết, ứng viên đến từ Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch có hai bài báo nhưng chỉ được tính điểm 1 bài đăng trên tạp chí Nghệ thuật trên con đường tơ lụa. “Đây là tạp chí của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Theo chúng tôi đánh giá thì đó là một tạp chí nghiêm túc và bài viết có chất lượng” - GS. Tạ Ngọc Tấn nói.  

Còn về tạp chí có “rởm” hay không và đăng trong kỷ yếu thế nào thì GS.Tạ Ngọc Tấn chỉ trả lời chung chung là đã có kiểm tra, xem xét trước đó. Còn kỷ yếu nếu có chỉ số ISBN (mã số tiêu chuẩn quốc tế) thì vẫn được công nhận. Tuy nhiên, trong hồ sơ ứng viên khai mà Tiền Phong có được thì không thấy có “dấu hiệu nào” để nhận biết kỷ yếu đó có chỉ số này hay không. Với ứng viên ngành thể dục thể thao có 3 bài đăng trên một tạp chí được cho là đáng ngờ, GS.Tạ Ngọc Tấn cho biết, Hội đồng quyết định chỉ chấm điểm 1 bài, không cho điểm 2 bài còn lại.

Ông cũng chia sẻ, khối ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục thể thao thực sự rất khó khăn khi hội nhập quốc tế vì mang tính dân tộc, tính đặc thù cao. Từ những chuyên ngành hẹp như múa, hay thậm chí là ngành rộng như báo chí cũng đều gặp rất nhiều rào cản khi viết bài báo khoa học quốc tế.

Ứng viên GS duy nhất của ngành này cũng bị có ý kiến khi năm 2019 có 2 bài đăng trên tạp chí quốc tế  International Relations and Diplomacy của NXB David publishing company. NXB này được nhà thư viện học người Mỹ Jeffrey Beall liệt kê là nhà xuất bản rởm (https://beallslist.weebly.com/)

MỚI - NÓNG