Vĩnh Phúc xây Văn Miếu và tiền bồi thường án oan: Bộ Tài chính nói gì?

Hồ Thiên Quang và nhà bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Vĩnh Phúc. Ảnh: L.H
Hồ Thiên Quang và nhà bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Vĩnh Phúc. Ảnh: L.H
TP - Liên quan đến vụ tỉnh Vĩnh Phúc chi 271 tỷ đồng xây Văn Miếu, tại họp báo chuyên đề chiều 9/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Dự án dùng ngân sách địa phương và chưa quyết toán, nên chưa thể đánh giá hợp lý hay không. Các vấn đề nóng khác như tiền bồi thường án oan, con số chuẩn nợ công, tiết kiệm chi thường xuyên cũng được đề cập.  

Sẽ xem xét

Ông Huỳnh Quang Hải, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước cho hay: Dự án tại Vĩnh Phúc do tỉnh này dùng ngân sách địa phương và quy trình chi phải đảm bảo đúng quy định. “Hiện dự án đang làm, chưa quyết toán, nên không thể đánh giá hợp lý hay không”, ông Hải nói.

“Yêu cầu tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong mấy tháng còn lại chỉ là khoản tạm thời giữ lại, không cắt hẳn. Tháng 8 sẽ đánh giá và báo cáo Thủ tướng. Nếu tình hình khả quan sẽ kiến nghị các bộ, ngành không phải cắt giảm khoản giữ lại, chỉ cắt khi khó khăn”.

 Vụ trưởng Ngân sách 

Nhà nước (Bộ Tài chính) 

Huỳnh Quang Hải

Liên quan đến vấn đề chi ngân sách khác gây nghi ngại là việc Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn do xử án sai. Đại diện Bộ Tài chính nói rằng, chưa nhận được hồ sơ, nên chưa thể đánh giá cụ thể.

Đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho hay: “Hiện hồ sơ nằm tại tòa án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao, chưa chuyển sang Bộ Tài chính. Khi nào chuyển sang, Bộ Tài chính sẽ xem xét đúng trình tự”, vị này nói. Trước đó, Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định không thể dùng tiền cá nhân bồi thường cho ông Chấn.

Thiếu căn cứ kiểm chứng nợ công

Cũng tại buổi họp, Phó Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Hoàng Hải cho biết: Ước tính tổng nợ công năm 2014 là 2.346.912 tỷ đồng, tương đương 59,6% GDP. “Con số này mới ước tính. Dự kiến tháng 8 sẽ trình Thủ tướng trên cơ sở kiểm chứng các số liệu liên quan; nhất là vay nước ngoài của Chính phủ, vay bảo lãnh và nợ của địa phương”, ông Hải cho hay.

Trước luồng thông tin rằng, con số của Bộ Tài chính đưa ra chưa phản ánh đúng chính xác thực trạng nợ công, ông Hải khẳng định: Cục thường xuyên trao đổi, cập nhật, kiểm chứng số liệu với các nhà tài trợ, nhất là Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á. “Chúng tôi truy cập số liệu trên các web của các tổ chức này, không cần trao đổi trực tiếp”, ông Hải cho biết về cách so sánh. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thống kê nợ công gặp khó khăn nhất định khi chưa hoàn thiện đối chiếu với các cơ quan thực hiện cho vay lại. “Ngoài ra, nợ các địa phương cũng là vấn đề khó khi tổng hợp số liệu. Bộ Tài chính chưa có nhiều căn cứ để kiểm chứng số liệu địa phương”, ông Hải nói.

Vấn đề nâng bội chi từ 5,3% lên 6,6% GDP cũng gây sự chú ý tại cuộc họp. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu sự thay đổi này có phải dấu hiệu tính tuân thủ kỷ luật ngân sách không tốt. Ông Huỳnh Quang Hải giải thích, thực tế bội chi 2013 là 5,3% GDP đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ. “Chi tiêu vẫn trong phạm vi hệ số trên. Tăng lên do hai khoản, đó là 29 nghìn tỷ đồng vốn ODA giải ngân cao hơn so với dự kiến và hơn 13 nghìn tỷ đồng nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng (khiến bội chi tăng). Cả hai khoản trên Chính phủ đã báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Vốn ODA tăng lên do giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ một số công trình”, ông Hải Phân tích thêm.

MỚI - NÓNG