Tuyên án oan sai: Tòa phải chịu trách nhiệm!

Sau 10 năm ngồi tù oan, Nguyễn Thanh Chấn (áo kẻ) trở về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Nguyễn Tuấn.
Sau 10 năm ngồi tù oan, Nguyễn Thanh Chấn (áo kẻ) trở về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Nguyễn Tuấn.
TP - Sáng 13/3, tại phiên chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Khi Tòa tuyên án mà dẫn đến làm oan sai cho dân, dù lỗi ở đâu, khâu nào, Tòa án cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu QH tiếp tục dẫn chứng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và một số vụ án có dấu hiệu oan sai để mổ xẻ, truy trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Dẫn chứng vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi: Vì sao nhiều năm ông Chấn có đơn kêu oan nhưng không được xem xét, chỉ đến khi Lý Nguyễn Chung có đơn xin ra đầu thú thì VKSNDTC mới xem xét tái thẩm? 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga hỏi: Trong vụ án oan này, ông Chấn bị tù oan 10 năm, vậy đến nay giải quyết bồi thường oan sai đến đâu - chậm vì sao? Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Vụ ông Chấn, các cơ quan tố tụng đã giải quyết quyết liệt, đến nay việc minh oan đã xong. Về bồi thường, nếu gia đình ông Chấn giao nộp đầy đủ tài liệu sẽ đi đến bước cuối cùng.

 “Vừa qua, TANDTC đã đề nghị ông Chấn cung cấp thêm tài liệu để tòa làm căn cứ xem xét, bồi thường nhưng gia đình ông Chấn chưa cung cấp được. Tòa đã hai lần đến nhà ông Chấn, làm việc với luật sư để thu thập tài liệu, chỉ còn chờ tài liệu từ phía gia đình và ông Chấn. Đây là căn cứ tính toán bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần cho ông Chấn”, Chánh án Trương Hòa Bình giải trình.

Nhục hình vì coi nhẹ chứng cứ

ĐB Đỗ Văn Đương và ĐB Lê Thị Nga cũng chất vấn vụ án Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án tử hình tội giết người, cướp tài sản năm 2008. Theo bà Nga, “căn cứ kết tội chưa vững chắc”, “kết tội và thi hành án tử hình một con người cần phải hết sức thận trọng”. “Vậy Tòa án có xác định vụ án này có oan sai không, vì sao Chủ tịch nước bác đơn ân xá, bị cáo xin sớm thi hành án, mà đến nay vẫn hoãn thi hành án?”, ĐB Đương chất vấn. Chánh án Trương Hòa Bình trả lời: Vụ án này xảy ra từ nhiều năm trước, cơ quan tố tụng đang thận trọng xem xét, giải quyết. Nếu có oan phải kết luận và giải oan, còn nếu có tội thì phải xác định rõ căn cứ. 

Vụ án Hồ Duy Hải thuộc án truy xét, điều tra rất khó khăn, Hồ Duy Hải đã nhận tội. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm bị cáo cho rằng, không phạm tội. Quá trình thu thập chứng cứ có sai sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. “Có oan hay không phải căn cứ kháng nghị, kết luận kháng nghị. Nhưng đến nay chưa có căn cứ. Vụ án có sự giám sát của Quốc hội, Tòa án đã phúc tra lại lời cung. Khi đoàn liên ngành hỏi, Hồ Duy Hải vẫn nhận tội, chỉ xin giảm án hoặc thi hành án ngay. Còn việc hoãn thi hành án vì mẹ bị cáo có đơn xin tạm hoãn thi hành án và có dư luận báo chí khác nhau”, ông Bình cho biết.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng,  oan sai nói chung thường xảy ra do quá trình điều tra chưa tôn trọng chứng cứ, chứng minh sự thật khách quan của vụ án, đánh giá chứng cứ còn trọng cung hơn trọng chứng.  “Nguyên nhân chủ quan từ cán bộ điều tra, do năng lực, phẩm chất, trách nhiệm không tuân thủ đúng quy trình, tư tưởng thành tích, nôn nóng dễ dẫn đến sai phạm. Ví dụ vụ việc Ngô Thanh Kiều (Tuy Hòa, Phú Yên), do nôn nóng, đối tượng ngoan cố dẫn đến nhục hình”, ông Vương lý giải.

Tuyên án oan sai: Tòa phải chịu trách nhiệm! ảnh 1

 Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình.

Tòa phải chịu trách nhiệm

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quyền xét xử, buộc tội, tuyên vô tội là của tòa án. Vì vậy, bất kể sai ở đâu, trách nhiệm cuối cùng là của Tòa án - cụ thể là thẩm phán chủ tọa, và cao nhất là Chánh án TANDTC. Không thể làm oan rồi nói tại công an, Viện Kiểm sát. “Thấy sai, anh phải trả hồ sơ, anh là chủ tọa phải như Bao Công - xét xử để bảo vệ công lý là trách nhiệm của anh. Vì thế, để oan sai anh cũng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Vậy Tòa án có phát hiện được oan sai hay phải chờ đơn thư, kháng nghị của Viện Kiểm sát? Thẩm phán, người làm oan sai có bị xử lý không?”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chất vấn.

Chánh án Trương Hòa Bình nói: “Khi vụ án được truy tố, tòa đưa ra xét xử thì oan sai tòa phải chịu trách nhiệm. Còn chưa qua xét xử thì trong mỗi giai đoạn tố tụng, cơ quan liên quan làm oan sai phải chịu trách nhiệm. 

Bản thân ngành tòa án cũng có quy định, xét xử xong tòa án cấp dưới phải gửi hồ sơ lên tòa cấp trên để kiểm tra, giám sát. Nếu thẩm phán cố ý làm oan phải truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không cố ý, không nghiêm trọng, cũng phải xem xét trách nhiệm bồi thường. “Tòa án gây ra oan sai thì phải bồi thường, Thẩm phán xét xử phải có trách nhiệm hoàn trả khi cố ý làm oan sai”, ông Bình cho hay.

Trả lời chất vấn “không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai”, trách nhiệm của người làm sai, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Theo quy định, người thi hành công vụ khi có lỗi cố ý mới phải tự bồi thường. Trong các vụ án oan sai  vừa qua, chưa xác định lỗi cố ý, cho nên không xem xét trách nhiệm hoàn trả của các thẩm phán.

Cũng trong ngày 13/3, các đại biểu còn chất vấn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình về vụ án Lê Bá Mai lúc bị tuyên tử hình, lúc vô tội; chất vấn về vụ án Dương Chí Dũng.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.