Vì sao tàu chiến hải quân Mỹ treo cờ cướp biển?

Vì sao tàu chiến hải quân Mỹ treo cờ cướp biển?
TPO - Nhiều người đã trông thấy tàu khu trục USS Kidd của Hải quân Mỹ treo cờ  đầu lâu và xương chéo khi trở về cảng nhà trong tuần này.

Tàu Kidd được đặt theo tên của một đô đốc đã bị giết tại Trân Châu Cảng, nhưng thuyền trưởng cướp biển Kidd khét tiếng  từ lâu đã trở thành thần ban phước lành cho con tàu. Đã có 3 tàu trong hải quân Mỹ được đặt tên là Kidd và chúng là những tàu duy nhất được treo cờ cướp biển.

Theo Business Insider, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Kidd (DDG-100) của Hải quân Mỹ đã kéo Jolly Roger - một biểu ngữ màu đen được trang trí với hình đầu lâu và xương chéo màu trắng thường được cho là liên quan đến cướp biển - khi nó trở về căn cứ trong tuần này.

Một bức ảnh do hải quân Mỹ phát hành cho thấy lá cờ bất thường bay cùng với lá cờ Mỹ khi tàu khu trục Kidd tiến vào cảng của căn cứ hải quân Everett ở bang Washington sau khi triển khai đến khu vực hoạt động của Hạm đội 4, bao gồm phía đông Thái Bình Dương và Caribbe.

Trong khi đầu lâu và xương chéo ban đầu có liên quan đến cướp biển, các tàu ngầm đã sử dụng lá cờ đáng sợ này trong Thế chiến thứ nhất, khi tàu ngầm HMS E-9 của Anh kéo băng-rôn Jolly Roger sau khi đánh chìm tàu tuần dương Hela của Đức.

Nó đã trở thành một truyền thống, một truyền thống đã lan rộng ra ngoài Hải quân Hoàng gia Anh và việc căng cờ cướp biển có thể chỉ là đánh dấu một cuộc tuần tra thành công, không nhất thiết là đánh chìm tàu địch.

Năm 2017, hải quân Mỹ công bố một bức ảnh tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf USS Jimmy Carter đi qua kênh Hood khi nó quay trở lại Căn cứ Hải quân Kitsap-Bangor. Trong bức ảnh của hải quân Mỹ, có thể nhìn thấy một lá cờ đen có vẻ là Jolly Roger.

Tàu USS Kidd, mặc dù gặp rủi ro do COVID-19 ngay sau khi bắt đầu triển khai vào tháng 4, đã triển khai tương đối thành công, hỗ trợ các hoạt động chống ma túy và có thời điểm hỗ trợ tuần duyên Mỹ chặn bắt 805 kg cocaine trị giá khoảng 30 triệu USD, theo thông báo của hải quân Mỹ.

Nhưng đó không phải là lý do tại sao con tàu treo cờ cướp biển.

Chiếc USS Kidd đầu tiên (DD-661) là một tàu khu trục lớp Fletcher được đặt theo tên Chuẩn đô đốc Isaac Kidd, người đã thiệt mạng trên thiết giáp hạm USS Arizona trong cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941.

Vị chuẩn đô đốc có biệt danh "Cap" - ám chỉ đến Thuyền trưởng cướp biển người Scotland William Kidd - khi ông học và tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ.

Thủy thủ đoàn của tàu USS Kidd, được đưa vào hoạt động từ năm 1943, đã lấy cướp biển làm thần hộ mệnh. Trong chuyến đi đầu tiên của USS Kidd, phi hành đoàn đã treo cờ Jolly Roger với sự cho phép của vợ góa của vị đô đốc, Inez Kidd, người đã thuyết phục các nhà lãnh đạo hải quân cho phép việc này. Thủy thủ đoàn của USS Kidd được gọi là "Cướp biển Thái Bình Dương."

USS Kidd là tàu nổi duy nhất của Hải quân Mỹ được phép treo cờ chống cướp biển khi đó.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS Kidd (DDG-100), được đưa vào hoạt động năm 2007, là con tàu thứ ba mang tên này, và nó "tiếp tục truyền thống của di sản này và treo cờ Jolly Roger một cách tự hào và khác biệt", theo hải quân Mỹ.

Như Task & Purpose đã lưu ý, bức ảnh tuần này chụp tàu USS Kidd  treo cờ Jolly Roger xuất hiện chỉ vài tháng sau khi Lầu Năm Góc ban hành bản ghi nhớ về việc hạn chế treo một số loại cờ nhất định.

Một phát ngôn viên của Hạm đội 3 nói với Business Insider rằng "Jolly Roger đóng vai trò là lá cờ đơn vị cho tàu USS Kidd (DDG-100)", nói thêm rằng nó "được bản ghi nhớ cho phép cụ thể."

Các tàu hải quân cũng được cho là treo cờ ngoài chuẩn, chẳng hạn như tàu tấn công đổ bộ USS America, được phát hiện hồi đầu năm nay treo cờ màu xanh với chiếc khiên biểu tượng của nhân vật điện ảnh Captain America trên đó.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.