‘Hạm đội sát thủ’ của hải quân Mỹ có thể phóng 120 tên lửa chống hạm

 Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt
Tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt
TPO - Hải quân Mỹ đã chi 22 tỷ đô la để phát triển một khu trục hạm mới và tất cả những gì họ có là ba.

Lớp Zumwalt được xem là sự kỳ quặc trong một hạm đội với sự thống trị của các biến thể khu trục hạm lớp Arleigh Burke 10.000 tấn. Nay, cả ba tàu Zumwalt đã hoàn thành và các tàu 16.000 tấn này đang tập trung tại căn cứ hải quân tại San Diego, đã đến lúc tìm hiểu phải làm gì với chúng.

Một nhà phân tích đã đề xuất một ý tưởng. “Tập trung vào các tàu Zumwalt”, Ryan Belscamper, cựu thủy thủ, hiện là một quan chức hậu cần của hải quân Mỹ, đã viết trên Proceedings, tạp chí chuyên nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ.

Theo ông, hoạt động cùng nhau, các tàu Zumwalt có thể phóng hàng loạt tên lửa chết chóc nhằm vào hạm đội địch. Nhưng việc nhóm các tàu khu trục này lại cũng có thể khiến chúng dễ bị tấn công từ trên không. Zumwalt là những tàu chiến ấn tượng, nhưng chúng không phải là những tàu có hệ thống phòng không tốt.

Hải quân Mỹ đã xây dựng đội hình hạm đội triển khai theo các nhóm tác chiến tàu sân bay và các nhóm đổ bộ. Một tàu sân bay hoặc một nhóm ba tàu đổ bộ triển khai trong khoảng tám tháng cứ sau ba năm, dành thời gian còn lại để bảo trì và huấn luyện.

Việc xếp các tàu Zumwalt vào hệ thống này sẽ dẫn đến tình trạng một trong những tàu khu trục này đang triển khai trong khi hai chiếc còn lại ở cảng hoặc bận rộn với các bài tập.

Đó sẽ là một sai lầm, ông Belscamper viết. Các mô hình sẵn sàng chiến đấu truyền thống với huấn luyện, triển khai, đại tu, lặp lại sẽ là một sự lãng phí lớn đối với các khu trục hạm lớp Zumwalt và nảy sinh vấn đề khi xảy ra xung đột với đối thủ ngang hàng. Chỉ có ba tàu, và do vậy chỉ có một tàu có khả năng sẵn sàng trong thời điểm khủng hoảng.

Belscamper đã đề xuất một mô hình độc đáo cho lớp tàu độc nhất vô nhị này, với thân tàu tàng hình, mũi như lưỡi đao, hệ thống máy phát điện mạnh mẽ và kích thước khổng lồ, không giống như các tàu mặt nước khác của hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ nên triển khai cả ba tàu cùng nhau như một hạm đội tàu tuần dương, Belscamper khuyến nghị. Làm như vậy, hải quân Mỹ sẽ trở lại một mô hình hoạt động hải quân đã ra đời hàng thế kỷ, khi các tàu chiến độc lập và tự túc, tàu tuần dương… cùng nhau đi đường dài.

Vì hạm đội cần thời gian để tái trang bị và huấn luyện, nên các tàu này sẽ không thể duy trì hiện diện ở nước ngoài trong thời bình. Hải quân sẽ giữ chúng trong tư thế dự bị, sẵn sàng tham chiến trong thời điểm khủng hoảng.

Hạm đội Zumwalt nên tập trung vào việc săn lùng và đánh chìm tàu chiến của kẻ thù, Belscamper viết. Đó là một nhận định mà hải quân Mỹ có cùng ý tưởng khi vào năm 2018, họ chính thức chuyển nhiệm vụ của lớp tàu Zumwalt từ tấn công đất liên sang tác chiến trên biển. Belscamper khuyến nghị mỗi tàu nên lấp đầy một nửa trong số 80 ống phóng thẳng đứng của chúng bằng tên lửa chống hạm.

Zumwalts tương thích với các tên lửa chống hạm tầm xa Tomahawk và SM-6 đã có trong trang bị hoặc sắp đi vào hoạt động. Hải quân Mỹ cũng đang phát triển tên lửa chống hạm tầm xa tàng hình mới, phù hợp với các bệ phóng của Zumwalts.

Để tiếp tục củng cố tiềm năng tiêu diệt tàu của Zumwalts, Belscamper khuyên hải quân Mỹ tiếp tục phát triển đạn cho khẩu pháo đôi 155 ly trên tàu. Hải quân Mỹ hai năm trước đã đình chỉ phát triển đạn cho các loại súng đặc biệt này sau khi chi phí mỗi quả đạn tăng lên gần 1 triệu đô la.

Với pháo và 40 tên lửa chống hạm có khả năng tấn mục tiêu cách xa hàng trăm dặm, bộ ba tàu Zumwalt sẽ là một lực lượng mạnh mẽ. Về lý thuyết, chúng có thể đánh chìm toàn bộ đội tàu của nhiều quốc gia, Belscamper chỉ ra.

MỚI - NÓNG