Khu trục hạm tàng hình Zumwalt của hải quân Mỹ ‘sống lại’ nhờ đạn siêu tốc

Tàu Zumwalt với khẩu pháo AGS chĩa thẳng lên trời
Tàu Zumwalt với khẩu pháo AGS chĩa thẳng lên trời
TPO - Sau khi tiêu diệt thành công tên lửa hành trình bằng đạn siêu tốc trong một cuộc thử nghiệm trên đất liền, cơ hội để tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt của hải quân Mỹ sử dụng loại đạn tốc độ cực cao này càng rõ ràng hơn.

Zumwalt được cho là lớp tàu chiến tiên tiến nhất và có khả năng sống sót cao của hải quân Mỹ, nhưng cũng gây tranh cãi nhất. Pháo chính của chúng, chiếm 1/3 không gian phía trước của con tàu trọng tải 16.000 tấn, bị cho là vô dụng.

Tuy nhiên, theo The Drive, trong cuộc thử nghiệm gần đây, Hệ thống pháo tiên tiến (AGS) lắp trên Lựu pháo tự hành 8 inch M110 đã bắn đạn siêu tốc (HVP) bắn hạ một mục tiêu tên lửa hành trình ở trường bắn thử nghiệm tên lửa White Sands. Đây là một phần của cuộc thử nghiệm Hệ thống Quản lý Chiến đấu Tiên tiến (ABMS) của Không quân Mỹ diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 4/9.

Mặc dù HVP ban đầu được thiết kế để bắn từ súng ray điện từ, đẩy nó lên tốc độ trên Mach 7 và tầm bắn tối đa hơn 100 hải lý, nó cũng đã được điều chỉnh để hoạt động với các loại súng hải quân hiện có sử dụng thuốc phóng hóa học truyền thống, bao gồm pháo hạm Mk 45 trên các tàu tuần dương lớp Ticonderoga hiện có của hải quân Mỹ và các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, và pháo dàn 155 mm. Như thử nghiệm đã chứng minh, HVP cũng có thể được bắn từ phiên bản sửa đổi của Hệ thống súng tiên tiến Mk 51 (AGS) của BAE Systems trang bị cho tàu khu trục lớp Zumwalt. Những khẩu súng này hiện bị coi là vô dụng, vì không có đạn phù hợp. Hiện tại, một cặp pháo 30mm là loại vũ khí có thể sử dụng duy nhất của Zumwalt.

Cuộc thử nghiệm ABMS trên đất liền gần đây nhất  nhằm chứng minh cách hệ thống này có thể “phát hiện và đánh bại các nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động của Mỹ trong không gian ngoài việc chống lại các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Mỹ. Không quân Mỹ đã bắn hạ một tên lửa hành trình “đóng giả” bằng vũ khí siêu tốc.

Khu trục hạm tàng hình Zumwalt của hải quân Mỹ ‘sống lại’ nhờ đạn siêu tốc ảnh 1 Thử nghiệm AGS trên cạn

Như thử nghiệm cho thấy, ít nhất là gián tiếp, việc kết hợp AGS trang bị HVP với ba tàu lớp Zumwalt có thể bổ sung khả năng phòng không mới đáng kể cho các tàu chiến vốn đã tối tân này. Đặc biệt, loại đạn mới có thể giúp các tàu khu trục đối phó hiệu quả với chi phí tương đối thấp trước tên lửa hành trình chống hạm hoặc máy bay không người lái, cũng như máy bay có người lái thông thường.

 “Nếu bạn nghĩ về các loại mối đe dọa mà bạn có thể phải đối mặt ở Trung Đông, tên lửa hành trình tầm thấp hơn hoặc một UAV lớn hơn, thì bây giờ bạn có cách để bắn hạ chúng mà không cần sử dụng các viên đạn ESSM trị giá 2 triệu đô la hoặc RAM 1 triệu đô la vì một viên đạn siêu tốc - ngay cả trong những ước tính cao nhất cũng chỉ ở mức 75.000 - 100.000 đô la”, Bryan Clark, từ Trung tâm Chiến lược và Ngân sách Đánh giá nói với USNI News vào năm ngoái.

Pháo AGS 155 ly/62 ly của tàu chiến lớp Zumwalt ban đầu dự kiến sẽ bắn Đạn tấn công trên bộ tầm xa (LRLAP). Khi chi phí tăng lên 800.000 USD cho một viên đạn, hải quân Mỹ đã từ bỏ chúng vì lý do tài chính và bắt đầu xem xét các lựa chọn khác, bao gồm các loại đạn Excalibur 1b của hãng Raytheon và Multi-Service Standard Guided Projectile (MS-SGP) của BAE Systems. Một sản phẩm khác của BAE Systems, HVP, đã được thảo luận cho khả năng thay thế ít nhất một phần LRLAP, nhưng giờ đây nó dường như là một ứng cử viên thay thế hoàn toàn vì cuối cùng đã làm cho pháo hạm của tàu lớp Zumwalt có tác dụng.

Các loại nhiệm vụ mà HVP có thể thực hiện sẽ phụ thuộc vào hệ thống pháo và nền tảng, nhưng hiện tại, chúng bao gồm "tác chiến tàu mặt nước, phòng thủ tên lửa hành trình và đạn đạo, tác chiến chống mặt nước và các nhiệm vụ hải quân khác trong tương lai" theo BAE System. Do đó, vũ khí này có thể cung cấp cho AGS khả năng kiêm nhiệm, giải quyết các mục tiêu trên mặt đất và trên bộ cũng như các mối đe dọa trên không.

MỚI - NÓNG