Vì sao 'cá động đất' liên tục dạt vào bờ biển?

Cá mái chèo dài 4,1 m, nặng 40 kg dạt vào biển Quảng Bình ngày 12/5. Ảnh: Lê Minh Hải.
Cá mái chèo dài 4,1 m, nặng 40 kg dạt vào biển Quảng Bình ngày 12/5. Ảnh: Lê Minh Hải.
Trong tháng 5/2015, hai con cá mái chèo hiếm gặp dạt vào bờ biển miền Trung. Một số nước trên thế giới quan niệm, đây là loài có khả năng dự báo động đất.

Sáng 19/5, ngư dân thôn 8, xã Quảng Đại (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) phát hiện một cá mái chèo đã chết tại bờ biển. Cá dài khoảng 3 m, nặng 30 kg, trên lưng có một dãy vây màu đỏ, thân có những đốm đen. Ngay sau khi phát hiện, người dân dùng phương tiện vớt cá lên bờ.

Sau đó, người dân đã chôn cất cá theo tục lệ địa phương.

Trước đó ít ngày, sáng 12/5, người dân phát hiện một con cá mái chèo dài 4,1 m, nặng 40 kg trôi dạt vào bờ biển xã Trung Thạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Cá có mình dẹt, vây lưng có màu đỏ tươi, có sừng phía trên đầu.

Anh Lê Minh Hải (38 tuổi, trú thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) cho biết, lúc cá trôi vào bờ vẫn còn sống. "Một số người cố gắng đưa nó ra xa để bơi về biển, nhưng dường như cá đã kiệt sức, sau đó thì chết", anh nói.

Theo người dân địa phương, cá mái chèo là một trong những loài sinh vật linh thiêng. Nên mỗi khi phát hiện cá mái chèo, nếu còn sống thì ngư dân sẽ đưa trở lại biển, nếu chết sẽ làm lễ cúng tế và chôn cất cẩn thận để cầu mong bình an, may mắn cho những chuyến ra khơi.

Về thông tin cá mái chèo chết, trôi dạt vào bờ biển là dự báo động đất, giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho rằng, điều này có thể đúng về mặt lý thuyết. Khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước.

Cá mái chèo là loài cá có xương dài nhất thế giới (có thể dài tới 17 m), thường sống ở tầng nước sâu. Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy so với những loài cá sống ở gần bề mặt biển. Theo truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra.

Tuy nhiên, giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc loài cá này dạt vào bờ biển Thanh Hóa và Quảng Bình thời gian gần đây chưa thể khẳng định chúng là điềm báo trước động đất.

Theo nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Sinh vật học, cá trôi dạt bờ biển có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước.

"Việc 2 con cá mái chèo trôi dạt vào bờ biển miền Trung gần đây, có thể do tác động của ô nhiễm môi trường. Vì môi truờng biển đang bị ô nhiễm bởi dầu tràn, kim loại nặng, các hoá chất độc hại khiến cá mái chèo thiếu oxy. Chúng buộc phải lên tầng cao hơn để tồn tại. Do không thích ứng với môi trường mặt biển, nên chúng có thể chết và trôi dạt vào bờ" - giáo sư Đặng Huy Huỳnh nhận định.

Vì sao 'cá động đất' liên tục dạt vào bờ biển? ảnh 1

Xác cá voi xanh nặng 6 tạ dạt vào bờ biển Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương.

Không chỉ cá mái chèo, trong tháng 5, ba con cá voi chết dạt vào vùng biển Bình Thuận, Thanh Hóa. Sáng 11/5, người dân thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phát hiện một xác cá voi khổng lồ trôi dạt vào khu vực bãi ngang thuộc khu phố 5, phường Mũi Né. Cá voi có chiều dài khoảng 6 m, vòm miệng rộng hơn 1 m, ước nặng khoảng gần 4 tấn.


Theo các ngư dân, đây là loại cá Ông Thông vì có mắt lồi, trên lưng có ba chóp hình trái khế và trên toàn thân da đều có kẻ ô, chấm bi rất đẹp mắt. Cá Ông Thông này thường giúp đỡ, che chở thuyền bè của ngư dân khi gặp nạn hoặc gặp sóng to gió lớn nên được ngư dân rất tôn kính thường chôn cất và thờ trong dinh, vạn.

Sáng 7/5, người dân xã Quảng Hùng (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) phát hiện cá voi xanh đã chết, dạt vào bờ biển. Cá voi dài khoảng 4 m, nặng 6 tạ. Người dân dùng phương tiện kéo cá voi lên bờ, lấy đá lạnh ướp xác và đã chôn cất cá voi theo phong tục truyền thống của ngư dân vùng biển.

Trưa ngày 2/5, người dân thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) phát hiện xác con cá voi đã chết nhiều ngày trôi dạt vào bãi biển Đồi Dương. Cá voi có chiều dài khoảng 8 m, vòm miệng rộng hơn 1 m, nặng gần 2 tấn. Người dân cùng chính quyền địa phương cũng tiến hành chôn cất theo tục lệ.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho rằng, hiện tượng cá voi dạt vào các vùng biển nông và mắc cạn như trên không hề hiếm gặp trên thế giới. Khi mắc kẹt, chúng nhanh chóng mất sức và chết nếu không được giải cứu kịp thời.

Lý giải về hiện tượng này, ông cho biết, sự thay đổi đưa các dòng nước giàu dinh dưỡng gần bờ với nguồn thức ăn phong phú, thu hút cá voi đến gần. Cũng không loại trừ khả năng những trận bão biển bắt nguồn từ sự thay đổi của gió làm cá voi mất phương hướng và dạt vào bờ.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG