Vẫn chuyện lương y

Vẫn chuyện lương y
TP - Câu chuyện chiếc kéo (panh) không hiểu bằng cách nào nằm mai phục trong bụng bệnh nhân 54 tuổi ở xã Bình Trung, huyện chợ Đồn, Bắc Cạn những 18 năm qua, bỗng chờ đến ngày cùng tháng tận 2016 mới lên tiếng về sự hiện diện của mình.

Lãnh đạo ngành Y tế khẩn trương chỉ đạo: Yêu cầu khẩn trương xác minh sự việc quên kéo trong bụng bệnh nhân, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn xác định tình trạng hiện tại của người bệnh, hướng xử lý để can thiệp kịp thời lấy dị vật ra khỏi cơ thể người bệnh bảo đảm an toàn.

Nghiên cứu tìm nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Đọc thông tin trên, có người cắc cớ đặt câu hỏi: Nếu không có sai phạm về y thuật và sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của y đức, không lẽ chiếc kéo (panh) kia tự tìm đường chui vào bụng người đàn ông.

Dư luận được dịp nhớ lại những sự cố y khoa dở khóc nhiều hơn cười của ngành y thời gian qua, để rồi thận trọng thắc mắc liệu có sai phạm hay không khi người bệnh gãy chân phải mà phải chịu bó bột chân trái. 

Có sai phạm hay không khi y bác sĩ tiêm nhầm vắc xin gây nên những cái chết oan uổng cho con trẻ. Có hay không sai phạm khi bệnh nhân viêm buồng trứng lại bị ê kíp mổ cắt luôn quả thận. Có sai không nhỉ, khi nam bệnh nhân viêm họng được bác sĩ chỉ định viên đặt âm đạo…

Lai nữa khi mới đây đích thân Bộ trưởng Y tế thị sát tình hình một số bệnh viện tại Thủ đô đã rất không hài lòng về lề lối phục vụ cũng như tình trạng quá tải bệnh viện không biết đến bao giờ và cần những giải pháp đột phá nào mới có thể chấm dứt.

Và hôm nay đây, trong số báo này, câu chuyện thủ tục bảo hiểm y tế hành hạ người mang trọng bệnh. Mỗi câu mỗi dòng báo nêu đớn đau, nhói buốt.

Ai đó đang vô cảm, dửng dưng, lạnh lùng nguyên tắc cứng nhắc đày đọa những người đang đếm ngược thời gian về với tiên tổ. Họ đang tranh thủ từng giờ, có thể từng phút để được sống, để được cảm sự ấm áp của những tấm lòng từ mẫu, thế nhưng, xa vời…

Họ đôn đáo ngược xuôi, dùng sức tàn với thân xác hao gầy để chỉ hợp thức, gia hạn, thứ thủ tục nhiêu khê lòng vòng hơn ma trận. Chút ánh sáng hy vọng cuối cùng ám đen trong vòng vây thủ tục đó, để rồi, nhiều người đành buông xuôi cho số phận, cho hoàn cảnh bằng tiếng thở dài hiu hắt…

Mệnh đề lương y, từ mẫu mãi tươi nguyên. Y thuật, y đức của những người chăm lo sức khỏe nhân dân luôn là điều kiện cần và đủ. Người bệnh có kì vọng và đòi hỏi quá chăng?

MỚI - NÓNG